Sinh con, nuôi dưỡng và giáo dục chúng là tình cảm tự nhiên của cha mẹ đối với con cái, của thế hệ trước đối với thế hệ sau trong gia đình. Con cái được chăm sóc, được nuôi dưỡng khoẻ mạnh, được giáo dục, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành người công dân tốt cho xã hội là niềm vui lớn nhất của các bậc làm cha làm mẹ. Trong gia đình, các thành viên cảm nhận được đầy đủ sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau không có giới hạn, có thể bộc lộ những tâm tư tình cảm của mình một cách chân thật nhất mà không sợ bị ảnh hưởng và tổn thương sau này.
Chính nhờ quan tâm, lo lắng cho nhau nên các thành viên có thể tâm sự cởi mở, giãi bày khi cá nhân có niềm vui, nỗi buồn cũng như khi gặp hoạn nạn. Trong cuốn: “Gia đình như một nền tảng tâm linh – mỹ học” tác giả viết “Gia đình là nơi chăm chút hết lòng nhất đối với con người. Chỉ một thoáng có sự thay đổi trong con người, gia đình đã nhận biết. Hoặc mỗi khi ra ngoài xã hội, con người gặp thắng lợi hay thất bại, thì cũng chính gia đình ngay tức khắc tìm được giải pháp hiệu lực nhất để trợ giúp. Có gia đình, con người có điểm tựa, có niềm thôi thúc của trách nhiệm và tình yêu, con người không dễ bị khuất phục, không để những thất vọng chiếm lĩnh lâu dài”. Gia đình là nơi đầu tiên được chia vui với sự thành công trong công việc của người thân, khuyến khích họ có những dự tính tốt đẹp trong tương lai. Đồng thời cũng chính nơi đây, gia đình cũng chia sẻ, động viên, an ủi cả về mặt tình cảm tâm lý khi mỗi thành viên gặp khó khăn, lo lắng, thất bại trong công việc, cũng như giúp đỡ, góp ý kiến, khuyên răn hay chăm sóc ăn uống, thuốc men khi đau ốm… gia đình cũng là nơi con người có thể bộc bạch nhiều và thể hiện đầy đủ bản thân nhất, hiểu nhau từ cách sống ăn uống, sở thích cũng như những mặt xấu của nhau. Do vậy, các thành viên trong gia đình có thể kiểm soát được hành vi, việc làm, thậm chí cả thái độ, tình cảm và nhận thức của mỗi người hằng ngày, khích lệ kịp thời những mặt tốt của mỗi thành viên nhất là thế hệ trẻ.
Trong quan niệm của mỗi con người Việt Nam chúng ta, trong gia đình không đơn thuần chỉ có quan hệ cha mẹ và con cái mà còn có ông bà, cháu chắt, họ hàng quê hương. Những sợi nối tình cảm này nó luôn tồn tại ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi con người, khi đúng điều kiện hoàn cảnh tự biết thức dậy và trở thành sức mạnh. Sức mạnh kỳ diệu này không có trong đời sống xã hội mà chỉ có trong gia đình, nó được hun đúc từ thời bé thơ, từ lời ru của mẹ, từ việc dạy ăn, dạy nói của cha mẹ từ tình cảm thương yêu của anh, chị em với nhau, của ông bà dạy dỗ các cháu. Đây là sức mạnh từ cội nguồn từ sự giáo dục gia đình, chính cội nguồn tạo nên sức mạnh tinh thần nuôi dưỡng cho mỗi chúng ta, sức mạnh tạo nên động lực phát triển trong gia đình và xã hội.
Như vậy, chính nhờ sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giáo dục trong gia đình nên đời sống tinh thần của các thành viên được thỏa mãn, giúp mọi người sống vui, sống khỏe, sống có ích đó là cơ sở cho sự tiến bộ và hạnh phúc của gia đình, đó cũng chính là điều kiện, là sự thể hiện của tiến bộ và hạnh phúc xã hội.