Trong các mối quan hệ cơ bản của gia đình truyền thống, mối quan hệ giữa anh chị em là mối quan hệ xuất phát từ huyết thống trong gia đình. Vì vậy, anh chị em có sự gắn kết và có trách nhiệm, chia sẽ và giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, hòa thuận là yếu tố căn bản để duy trì tình cảm anh chị em bền vững. Đó cũng là mong muốn và là nhu cầu của cha mẹ đối với con cái.
“Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
Nguyễn Trãi trong “Gia huấn ca” cũng đã đề cập và nói đến đạo đối xử giữa anh chị em trong một gia đình.
“Lại phải tường trong đạo chị em
Đạo em thì ở trông lên
Đạo chị trông xuống cho êm đẹp chiều
Miếng bùi ngọt chia đều như một
Khi nắng mưa ấm sốt đỡ tay
Với nhau như bát nước đầy
Lá lành đùm bọc bóng cây rườm rà” [11]
Gia đình truyền thống Việt Nam ảnh hưởng bởi các quan điểm gia đình và đạo đức của Nho giáo. Trong mối quan hệ anh chị em trong gia đình, Nho giáo xác lập phạm trù “đễ”. Đễ là yêu cầu và chuẩn mực đạo đức điều chỉnh mối quan hệ anh chị em.
Đối với người anh, người chị có đễ là người biết thương yêu và có trách nhiệm đối với các em. Khi cha mẹ mất sớm trách nhiệm ấy càng trở nên nặng nề hơn vì các em chưa trưởng thành. Lúc này người anh, người chị có vai trò và trách nhiệm thay cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục các em trưởng thành. Người em có đễ là người biết kính trọng, yêu thương và biết lời anh, chị bảo ban, dạy dỗ.
Như vậy, trong những điều kiện lịch sử cụ thể đễ cũng có tác dụng lớn trong việc góp phần xây dựng, củng cố đạo đức gia đình. Vì thế, đễ là một hình thức biểu thị chuẩn mực đạo đức giữa anh chị em trong gia đình Việt Nam truyền thống.