Trong bối cảnh các giá trị gia đình, hôn nhân vẫn là những giá trị được người dân, trong đó có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ – tương lai của gia đình Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của họ thì các nghiên cứu thực tiễn lại chỉ ra quy mô, cơ cấu, chức năng gia đình đang thay đổi theo hướng hiện đại hóa, cá nhân hóa, hạt nhân hóa. Do đó, để phát huy giá trị hôn nhân, gia đình đối với thế hệ trẻ Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới đối với thế hệ học sinh, sinh viên. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt đồng bộ các chương trình giáo dục giá trị gia đình, hôn nhân đối với thế hệ học sinh, sinh viên (ít nhất từ học sinh THCS có thể hiểu được những giá trị hôn nhân và gia đình). Các hoạt động đó sẽ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ, trẻ em gái tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trên mọi lĩnh vực vực đời sống – xã hội. Các hoạt động truyền thông nên sử dụng các kênh sáng tạo, tiếp cận được gần hơn với giới trẻ như qua mạng xã hội, youtube, tik tok…Sự lan tỏa các giá trị hôn nhân, gia đình nên được truyền thông một cách gần gũi, tránh dạng “ khẩu hiệu” để có thể tiếp cận và lan tỏa giá trị đến giới trẻ một cách chân thành, bình dị.
Thứ hai, nên định kỳ có những nghiên cứu quốc gia về thế hệ trẻ Việt Nam nhằm tìm hiểu những mong đợi, xu hướng tình cảm cũng như nhận định của giới trẻ về những giá trị gia đình, hôn nhân, cuộc sống, công việc; từ có những hoạt động can thiệp phù hợp với mong muốn, nhận định của giới trẻ, giúp cho giới trẻ phát triển toàn diện, lành mạnh. Từ những kết quả nghiên cứu đó, cần xã hội hóa tối đa các kết quả về các giá trị gia đình mà người dân Việt Nam đang ủng hộ tới các nhà lập pháp, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về gia đình để nắm rõ thực tế các giá trị của gia đình hiện nay, đặc biệt là những khác biệt xã hội về giá trị gia đình thuộc các mức hiện đại hóa khác nhau, trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. Cần có sự quan tâm đến các giá trị của nhóm thuộc khu vực kém phát triển, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo …để có thể xây dựng các hoạt động mang tính nền tảng từ góc độ của nhà quản lý. Đồng thời, phát triển mạng lưới hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm hiện đại, đang có xu hướng theo những giá trị hiện đại của gia đìnhđồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ len lỏi vào trong quan điểm, nhận định của giới trẻ
Thứ ba, cần đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp, đào tạo và dạy nghề cho thanh niên nhằm tạo dựng cơ hội việc làm tốt, tự tin tham gia vào quá trình lao động và trở thành nguồn nhân lực có chất lượng. Phần lớn giới trẻ đều cho rằng sự chủ động về kinh tế, có thu nhập tốt sẽ là nền tảng duy trì sự bền vững của gia đình khi họ bước vào đời sống hôn nhân, do đó việc định hướng nghề nghiệp, tạo dựng cơ hội việc làm để thanh niên làm giàu chính đáng, làm chủ cuộc sống trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển là một yếu tố có ý nghĩa quyết định, góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho các “ tế bào xã hội” của tương lai khỏe mạnh. .
Thứ tư, xem xét xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình trong thời kỳ mới, những tiêu chí này cần được biểu hiện cụ thể hơn nữa gắn những giá trị mang hơi hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng cũng không đánh mất đi những giá trị truyền thống, giá trị dân tộc. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 nên xem xét bổ sung nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình, có gắn đến xu hướng thay đổi trong quan điểm giá trị gia đình hiện đại, có định hướng đến giới trẻ từ đó có thể xây dựng những tiêu chí gia đình mới tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, phát triển nguồn nhân lực trẻ toàn diện. . Cho dù dưới sự tác động của bối cảnh hội nhập, đô thị hóa hay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… giá trị hôn nhân, gia đình Việt Nam vẫn khẳng định vai trò quan trọng của nó trong tiến trình phát triển của xã hội. Gia đình với những giá trị tình cảm, đạo đức, tâm lý, con cái… không thể thay thế trong sự phát triển của xã hội, những giá trị đó sẽ là những giá trị có tính định hướng đến hành động, suy nghĩ của thế hệ trẻ trong việc xây dựng một tương lai Việt Nam phát triển bền vững.