Từ thủa hồng hoang dựng nước cho đến ngày nay, người Việt luôn thể hiện sự biết ơn của mình đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Đó là cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con người Việt Nam. Đạo hiếu được xem là một tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất trong đời sống của con người Việt Nam. Nó là chất liệu của cuộc sống và là hành trang vô giá, không thể thiếu vắng ở mỗi con người. Đồng thời, nó phản ánh đời sống văn hóa và đạo đức của một xã hội. Những người con không thể sống nếu thiếu sự quan tâm chăm sóc của ông bà, cha mẹ, ngược lại, khi cha mẹ tuổi già, sức yếu thì người ta nghĩ đến sự đền đáp của con cháu. Vì vậy, dân gian có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”.
Ngoài yếu tố xuất phát từ nền tảng đời sống bản địa, đạo hiếu trong đời sống đạo đức gia đình Việt Nam còn chứa đựng yếu tố của Nho giáo. Với hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhiều điều kiện xã hội và tư tưởng đã tác động mạnh mẽ đến việc tiếp nhận đạo hiếu của Nho giáo vào đời sống đạo đức của người Việt.
Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử khẳng định “Hiếu đễ là gốc của nhân” (Luận ngữ, Học nhi, 2) [4, tr. 197]. Trong phạm vi đạo đức gia đình, hiếu đễ được coi là gốc. Hiếu là thái độ ứng xử của con người đối với ông bà, cha mẹ mình; đễ là sự kính nhường trong quan hệ anh em. Vì vậy, khi Mạnh Ý Tử hỏi về hiếu đạo, Khổng Tử đáp rằng: “Chớ làm trái ngược” và “khi cha mẹ còn sống, lấy lễ mà thờ kính; lúc cha mẹ qua đời, lấy lễ mà chôn cất, lấy lễ mà tế tự” (Luận ngữ, Vi chính, 5) [4, tr. 218].
Đạo làm con, theo Khổng Tử phải làm thế nào cho cha mẹ yên lòng, vui vẻ. Khi Mạnh Vũ Bá hỏi về hiếu, Khổng Tử khuyên “chớ để cha mẹ buồn phiền” (Luận ngữ, Vi chính, 5) [4, tr. 218]. Sở dĩ Khổng Tử nói vậy là vì Mạnh Vũ Bá là hạng công tử chỉ biết ăn chơi, do đó Khổng Tử có ý khuyên Mạnh Vũ Bá rằng, người con có hiếu đừng để cha mẹ phải phiền lòng, phải biết rõ một điều là cha mẹ nào cũng yêu thương, lo lắng khi con mình bị đau ốm.
Trong trường hợp khác, Khổng Tử coi việc thực hiện đạo hiếu ở chỗ kính trọng cha mẹ. Trường hợp đối với học trò Tử Du, khi hỏi về hiếu, Khổng Tử trả lời: “Chẳng kính, lấy gì làm phân biệt” (Luận ngữ, Vi chính, 7) [4, tr. 220].
Đối với con cái, theo Khổng Tử thì “Tuổi của cha mẹ không thể không biết tới, vừa để vui mừng, vừa để lo sợ” (Luận ngữ, Lý nhân, 21) [4, tr. 220]. Đó là hai mặt của một tấm huy chương mà Khổng Tử nhận ra, đồng thời là sự cảnh tỉnh cao độ cho đạo làm con phải thường xuyên quan tâm đến cha mẹ mình.
Có thể thấy rằng, Nho giáo luôn giáo dục con người hướng đến tình cảm gia đình. Ngoài việc nuôi dưỡng cha mẹ bằng tấm lòng thành kính của mình, người con có hiếu còn làm cho cha mẹ thường xuyên vui vẻ. Theo Khổng Tử, người con bất hiếu khi ra ngoài xã hội không thể đối xử tốt với người khác được, bởi lẽ theo ông, “làm người có lòng hiếu đễ mà lại ưa phạm tới bề trên, là chuyện hiếm có vậy… Người quân tử chuyên chú vào chỗ gốc, vì gốc đã gây dựng, đạo tự nẩy sinh. Nết hiếu và nết đễ có phải là gốc của việc thi hành đạo nhân đó chăng?” (Luận ngữ, Học nhi, 2) [4, tr. 197]. Do đó ông căn dặn các học trò của mình rằng, “khi vào phải hiếu với cha mẹ, khi ra phải kính nhường người lớn tuổi, làm việc phải cẩn thận và giữ chữ tín, thương yêu mọi người và thân với người nhân. Làm những việc đó có dư sức mới dành cho việc học văn chương” (Luận ngữ, Học nhi, 6) [4, tr. 201]. Lời dặn dò của Khổng Tử cũng là những điều kiện thiết yếu để con người “khi ra” ngoài xã hội giao tiếp theo đúng những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần làm ổn định xã hội.
Đối với gia đình Việt Nam truyền thống, cái hồn trong văn hóa đạo đức chính là đạo Hiếu. Hiếu luôn được đề cao và tôn trọng và mang bản sắc dân tộc. Trong thời phong kiến, các gia đình danh gia, vọng tộc quyền quý ngoài tri thức hiểu biết thì lễ nghĩa luôn được đề cao đặc biệt là chữ Hiếu. Đạo hiếu trở thành nguồn cội, là cơ sở cho nền tảng vững chắc của gia đình. Đó chính là giá trị văn hóa đạo đức đức rất căn bản mà trong xã hội hiện đại cần kế thừa và phát huy.
Đạo hiếu thể hiện trong tất cả các phong tục, tập quán và đời sống của người Việt Nam. Từ lễ tang, lễ cưới, lễ tế đến những việc thuộc phạm vi làng nước đều gắn liền với hiếu. Do đó trong Quốc triều hình luật, điều thứ hai đã ghi rõ: “Bất hiếu, là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường, nghe thấy tang ông bà cha mẹ mà giấu, không cử [tổ chức tang lễ] ai; nói dối là ông bà cha mẹ chết” [10, tr. 42] đều bị phạt tội rất nặng.
Ca dao tục ngữ của người Việt xưa đã lưu truyền muôn đời về chữ hiếu, về ơn nghĩa sinh thành của ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Con cháu phải có nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi tuổi già và thờ cúng khi họ mất. Nó được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành phong tục, tập quá, lối sống và đạo lý của mỗi con người Việt Nam.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Ngoài ra, ca dao còn nói đến luật nhân quả. Nhân hiếu thì sẽ gặt được quả hiếu, nếu bất hiếu với cha mẹ thì cũng sẽ nhận quả bất hiếu. Đây chính là một bài học có giá trị và sâu sắc về chữ hiếu mà người Việt Nam đã thể hiện và lưu truyền bao đời.
“Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì hoài công”
Trong gia đình truyền thống, đạo Hiếu được xếp thành ba bậc Hiếu còn gọi là Hiếu đại tam.
Thứ nhất, tiểu hiếu là nuôi cha mẹ lúc tuổi già. Khi cha mẹ già yếu người con có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ chu đáo. Tùy điều kiện, hoàn cảnh mà sẽ có những cách quan tâm, chăm sóc báo hiếu khác nhau.
Thứ hai, trung hiếu là không làm gì khiến bố mẹ phải phiền lòng, lo lắng, xấu hổ. Nghĩa là phụng dưỡng cha mẹ nhưng không làm cho cha mẹ buồn phiền, lo lắng. Không được xúc phạm, cãi lại, chửi mắng, ngược đãi làm cha mẹ suy nghĩ, buồn khổ.
Thứ ba, đại hiếu là mang lại niềm vui, niềm tự hào, vinh danh cho cha mẹ. Làm cho cha mẹ luôn đẹp lòng, hãnh diện với hàng xóm. Tạo lập được sự nghiệp mang lợi ích cho xã hội, làm cha mẹ được vẻ vang.
Nhờ một nền tảng giáo dục đạo đức đặt trên cơ sở hiếu như vậy, xã hội Việt Nam có thể được xem là xã hội chuẩn mực về đạo đức hiếu thảo:
“Làm người hiếu nghĩa đi đầu
Hiếu cha hiếu mẹ việc gì không xong”
Trong xã hội hiện đại ngày nay, người Việt Nam dù sống ở bất kỳ đâu không bao giờ quên được nơi sinh ra và chính là tình yêu thương của cha mẹ nuôi dưỡng bản thân mình thành người. Khi đời sống xã hội ngày càng thay đổi, nhiều yếu tố đạo đức cũng có sự thay đổi theo. Song, dù cho thế nào đi chăng nữa thì đạo hiếu vẫn luôn là nền tảng, truyền thống, tình cảm, đạo lý làm người của người Việt Nam.