Ngày 10 tháng 11 năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã ban hành văn bản số 1818/SVHTTDL-VHGĐ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cơ bản nhất trí với các dự thảo; tuy nhiên để hoàn thiện, Sở VHTTDL chỉnh sửa một số nội dung, cụ thể như sau:
Về đối tượng áp dụng: Khoản 3 Điều 2 dự thảo quy định “Luật này áp dụng đối với cả những trường hợp vợ, chồng đã ly hôn hoặc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.”. Tại khoản 1 Điều 3 dự thảo giải thích “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.”. Riêng tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Luật đề nghị viết lại như sau: “3. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình và các hành vi khác do tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”. Điểm c, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”. Như vậy, việc áp dụng các hành vi bị cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình như là hành vi của thành viên của “gia đình” là không phù hợp. Bên cạnh đó, trường hợp có “bạo lực” đối với trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 2 dự thảo, có thể xem xét xử lý theo quy định của Bộ Luật hình sự.
Về quyền và nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình: Tại điểm g, khoản 1, Điều 11 dự thảo quy định “Được ưu tiên chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên trong trường hợp ly hôn;”. Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cụ thể về “Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn”, trong đó quy định “Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con”. Do đó, nhằm tránh chồng chéo về quy định nuôi con sau ly hôn, đề nghị không quy định quyền ưu tiên nuôi dưỡng con tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 5 dự thảo): Tại điểm a, khoản 1, Điều 11 dự thảo quy định người bị bạo lực gia đình có quyền “Yêu cầu các thành viên gia đình và xã hội tôn trọng, bảo vệ, hỗ trợ, bảo đảm chỗ ở an toàn và giữ bí mật đời tư”. Do đó, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quyền của người bị bạo lực nêu tại điểm a khoản 1, Điều 11 dự thảo, đề nghị bổ sung nguyên tắc về “tôn trọng, bảo vệ, hỗ trợ, bảo đảm chỗ ở an toàn và giữ bí mật đời tư” vào Điều 5 dự thảo.
Tại điểm b, Khoản 1 của Điều 35 của dự thảo Luật có quy định “Tòa án nhân dân ban hành quyết định cấm tiếp xúc theo đề nghị của người bị bao lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền …” đề nghị quy định rõ hơn Tòa án nhân dân cấp nào để thống nhất thực hiện.
Tại Khoản 3 của Điều 64 của dự thảo Luật: đề nghị bổ sung cụm từ “làm việc” và sửa đổi thành “3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động của cơ sở …” vì đây là thủ tục hành chính, việc xác định thời hạn là “ngày làm việc” sẽ thống nhất cho các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết đối với thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cơ sở theo quy định tại Khoản 4 của Điều 64.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 17 như sau: “a) Cử đại diện thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia Hội đồng xét xử giữ vai trò hội thẩm nhân dân đối với các vụ án bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” để làm rõ thêm nội dung quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 17 của Dự thảo Luật.
Tại Khoản 1, Điều 29 về địa chỉ tiếp nhận vụ việc bạo lực gia đình, đề nghị bổ sung thêm: “c) Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã”.