Ngày 12 tháng 11 năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản số 1341/SVHTTDL-GĐ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cơ bản nhất trí với các dự thảo; tuy nhiên để hoàn thiện, Sở VHTTDL chỉnh sửa một số nội dung tại Chương I, Điều 3, cụ thể:
Tại Mục 1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình. (Từ “cố ý” dễ gây hiểu lầm, vì người gây bạo lực gia đình thường biện minh là “không cố ý” đề nghị thay bằng cụm từ “hành vi cố ý” thành cụm từ “hành vi có ý thức”; thay từ “tình dục” thành “khả năng tình dục” hoặc “sức khỏe tình dục”.
Tại Mục 2. Bạo lực gia đình trên cơ sở giới là hành vi bạo lực giữa các thành viên gia đình với nhau dựa trên giới tính nhằm tước bỏ quyền của thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật đề nghị sửa là: “Bạo lực gia đình trên cơ sở giới là hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến quyền bình đẳng giới cho thành viên gia đình”.
Tại Mục 3.Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình và các hành vi khác do tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định của pháp về Luật phòng, chống bạo lực gia đình đề nghị sửa là: “Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình và các hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định của pháp về Luật phòng, chống bạo lực gia đình”.
Tại Mục 4. Mâu thuẫn trong gia đình là sự khác biệt về nhận thức, lối sống, thói quen, sở thích giữa các thành viên hoặc các nguyên nhân khác dẫn đến đối lập, tranh cãi, không thống nhất đề nghị sửa là: “Mâu thuẫn trong gia đình là sự khác biệt về nhận thức, lối sống, thói quen, sở thích giữa các thành viên hoặc các nguyên nhân khác dẫn đến đối lập, không thống nhất, tranh cãi, căng thẳng, xung đột giữa các thành viên gia đình”.
Tại Mục 14. Làm lộ thông tin về bạo lực gia đình là hành vi khiến cho những người không có trách nhiệm xử lý vụ việc bạo lực gia đình biết thông tin đề nghị bổ sung hậu quả của hành vi làm lộ thông tin để phân biệt rõ giữa làm lộ thông tin bạo lực gia đình với việc tố cáo hành vi bạo lực gia đình.
Tại Mục 16. Nhạy cảm giới trong phòng, chống bạo lực gia đình là nhận thức sự khác biệt về giới khi áp dụng biện pháp cụ thể để xử lý, can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đề nghị sửa là: “Nhạy cảm giới trong phòng, chống bạo lực gia đình là nhận thức sự khác biệt về giới khi áp dụng biện pháp cụ thể để xử lý, can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đảm bảo mang lại quyền và lợi ích giới cho các thành viên gia đình”.