Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau 10 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi bổ sung như: chưa làm rõ khái niệm “Mâu thuẫn, tranh chấp”; chưa có sự phân biệt giữa hành vi bạo lực với mâu thuẫn tranh chấp trong gia đình; thiếu quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình; mâu thuẫn giữa quy định về nguyên tắc hòa giải với quy định về góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư; quy định rõ điều kiện đảm bảo để triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình hay những quy định về cấm tiếp xúc gây khó khăn tiếp cận cho nạn nhân khi cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương; các chính sách về xã hội hóa hay chính sách đối với người tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng còn chung chung nên chưa thực sự khuyến khích được sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân tham gia; việc xử phạt vi phạm hành chính không phải là giải pháp tối ưu trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cần phải có thêm giải pháp bổ sung để đảm bảo tính răn đe, giáo dục như đúng tinh thần của Luật lấy phòng để chống.
Việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc nhằm mục đích trước hết để ngăn chặn hành vi bạo lực có thể tiếp diễn và những hậu quả xấu có thể xảy ra do hành vi này. Đây là một biện pháp có tính chất khẩn cấp tạm thời nhằm mục đích bảo vệ kịp thời nạn nhân của bạo lực gia đình khi có yêu cầu trợ giúp của nạn nhân, đồng thời giúp người có hành vi bạo lực gia đình có thời gian suy xét về hành vi sai trái của mình để tiến tới hòa giải hai bên, bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, nếu quy trình thực hiện quyết định cấm tiếp xúc còn mang nặng thủ tục hành chính và chưa rõ đối tượng. Điều 9. Điều kiện để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc. Theo đó, ngoài việc yêu cầu phải có đơn gây khó khăn cho nạn nhân (như đề cập trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình), Khoản 4 Điều này còn quy định nơi ở khác nhau mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở là không phù hợp. Việc quy định nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện đến ở được ngầm hiểu rằng, khi xảy ra bạo lực thì nạn nhân sẽ phải là người ra khỏi nhà. Điều 12. Xử lý hành vi vi phạm quyết định cấm tiếp xúc, quy định người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp có đơn đề nghị của nạn nhân bạo lực gia đình hay đã bị nhắc nhở của cơ quan có thẩm quyền là không phù hợp và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về việc cấm tiếp xúc: “Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân. Đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân và cũng là để giáo dục người có hành vi gia đình. Tuy nhiên, Luật quy định việc áp dụng biện pháp này phải: “Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình”, điều này có phần chưa khả thi, không phù hợp với thực tiễn. Do hầu hết nạn nhân bị bạo lực là người vợ, người con trong đó nhiều người bị phụ thuộc vào người chồng về kinh tế, dù bị đối xử tàn nhẫn nhưng họ vẫn có thể cam chịu, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực. Vì vậy, việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải “có đơn yêu cầu của nạn nhân, có sự đồng ý của nạn nhân” là chưa phù hợp với thực tiễn và chưa bảo vệ được các nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 thì điều kiện để cấm tiếp xúc là: “Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc”. Điều này là không khả thi, vì đa số hành vi bạo lực gia đình xảy ra với những người trong gia đình, sống chung trong một mái nhà nên họ không có nơi ở khác. Do đó, khi áp dụng biện pháp này, trong trường hợp hành vi bạo lực gây tổn hại hết sức nghiêm trọng tới sức khỏe, danh dự của nạn nhân; hành vi lặp lại nhiều lần; người có hành vi đã được giáo dục mà tiếp tục vi phạm… thì không cần đến sự yêu cầu hay cho phép của nạn nhân. Khi thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc, nếu nạn nhân hoặc người gây ra bạo lực không có nơi ở khác thích hợp thì các cơ quan, tổ chức hữu quan phải bố trí chỗ ở cho họ (có thể ở tại nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn, khu dân cư…)
Từ những phân tích trên, tôi kiến nghị Luật sửa đổi cần có quy định về định nghĩa “Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần hoặc sử dụng các phương tiện để thực hiện hành vi bạo lực gia đình”, đồng thời có những quy định chi tiết, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đối với biện pháp này như: Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng; giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc.