Bạo lực giới nói chung, bạo lực gia đình nói riêng đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội, làm xói mòn giá trị đạo đức đối với cá nhân, gia đình và toàn thể cộng đồng. Đặc biệt với người phụ nữ, bạo lực gia đình để lại hậu quả tiêu cực trên nhiều phương diện: sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh sản, tổn thương về tinh thần, tổn thất về kinh tế. Đó là chưa kể đến khía cạnh “liên thế hệ” của bạo lực, khi trẻ em phải chứng kiến, thậm chí là chịu đựng những hành vi bạo lực gia đình.
Nhằm mục đích phòng chống tình trạng bạo lực, Liên hợp quốc đã ra Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (1993), yêu cầu các nước có những cam kết về đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của con người, thực hiện bình đang giới. Ớ nước ta, việc thông qua Luật Bình đẳng giới (2006) và Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2007) đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cũng như môi trường thuận lợi để chống lại bạo lực với phụ nữ.
Để phát hiện và giải quyết kịp thời tình trạng bạo lực gia đình, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, sự động viên khích lệ của người thân, bạn bè, bản thân người phụ nữ bị bạo lực cũng cần “lên tiếng”, cần sự chủ động nhất định trong việc tìm kiếm hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nước ta, không ít phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn ngày ngày âm thầm chịu đựng, sống chung với bạo hành, mà người làm hại chính là chồng/bạn tình. Điều gì khiến họ không tìm kiếm sự trợ giúp khi bị bạo lực gia đình? Những yếu tố nào cản trở họ tiếp cận và được nhận hỗ trợ từ các nguồn khác nhau để giải thoát cho chính mình? Câu hỏi này vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đề cập đến.
Về thực trạng của vấn đề này, hiện nay, theo Nghiên cứu quốc gia về “Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố, có đến 34% phụ nữ bị bạo hành. Trung bình cứ 3 phụ nữ đã lập gia đình thì có 1 người cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể chất hoặc lạm dụng tình dục. Thực tế, những con số thống kê này thậm chí có thể cao hơn bởi vì rất nhiều người phụ nữ đã không lên tiếng phơi bày sự thật về bạo lực gia đình.
Một nửa số phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực chưa từng nói với bất cứ ai về vấn đề mà mình phải hứng chịu cho tới khi được phỏng vấn cho một đề tài nghiên cứu. Hầu hết phụ nữ bị bạo lực chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền.
Nếu họ có tìm kiếm sự hỗ trợ thì cũng là khi bạo lực đã nghiêm trọng và người họ thường tìm đến là lãnh đạo địa phương. Thường thì họ cảm thấy không được hỗ trợ bởi lẽ chính những cán bộ này cho rằng bạo lực gia đình là một vấn đề thuộc phạm vi gia đình
Khoảng 1/5 số phụ nữ bị bạo lực đã từng rời khỏi nhà ít nhất là một đêm. Thực tế gần như không có một lựa chọn nào cho phụ nữ đi đâu về đâu và người phụ nữ thường quay về nhà vì gia đình. Trong khảo sát khoảng 60% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và tình dục do chồng gây ra nói rằng họ có nghe về Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, phỏng vấn định tính cho thấy phụ nữ không nắm được chi tiết luật và ngay cả các cấp chính quyền địa phương cũng không nắm được Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Vậy nguyên nhân vì sao?
Bên cạnh việc xấu hổ và kỳ thị khiến cho phụ nữ giữ im lặng, nhiều phụ nữ nghĩ bạo lực trong quan hệ vợ chồng là chuyện “bình thường” và rằng phụ nữ phải làm quen và chịu đựng những gì đang diễn ra vì hạnh phúc gia đình.
Nếu như phụ nữ có tiết lộ với ai đó thì thường đó là một thành viên trong gia đình. Thật không may là thường thì mạng lưới xã hội gần kề chỉ làm tăng thêm xấu hổ và kỳ thị bằng việc đưa ra những quan điểm đổ lỗi cho người phụ nữ hoặc khuyên họ nên chịu đựng. Hơn nữa, việc nói cho người khác biết cũng là tăng nguy cơ bị bạo lực.
Tổng hợp các số liệu thống kê về tình hình BLGĐ trong 10 năm qua, có khoảng 80% nạn nhân BLGĐ là phụ nữ. Điều tra quốc gia BLGĐ với phụ nữ cho biết có 87,1% phụ nữ là nạn nhân BLGĐ đã không tìm đến sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể. Một trong những lý do là ngại tiếp xúc với chính quyền, mặt khác có một số không thực sự tin tưởng chính quyền, đoàn thể có thể hỗ trợ được họ. Để được chính quyền bảo vệ, nạn nhân phải viết đơn đề nghị, ngoài lý do nêu trên thì có không ít nạn nhân không biết phải trình bày thế nào. Trong một số trường hợp, nạn nhân còn bị người có hành vi bạo lực hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực với chính quyền. Đứng trước vấn đề khó khăn có hay không viết đơn thường là có kết quả lựa chọn không và im lặng.
Hiện nay, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân BLGĐ. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Từ đó dẫn đến việc nạn nhân có thể phải chịu bạo lực kép từ gia đình và cả xã hội.
Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ hiện nay hoạt động chưa hiệu quả, đặc biệt một số cơ sở chỉ có tên trong Luật mà chưa có ở thực tiễn sau 12 năm triển khai. Việc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ trong các trường hợp khẩn cấp còn mang nặng thủ tục hành chính và không phù hợp với những trường hợp cần ra khỏi nhà để bảo vệ an toàn tính mạng.
Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ hiện chưa nhất quán với Bộ Luật Hình sự (2015). Theo đó, Bộ luật Hình sự (2015) quy định “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác là một dạng bạo lực tinh thần, song, hành vi này đối với thành viên gia đình chỉ bị phạt tiền chỉ từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng (Điều 51 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP). Như vậy, quy định về hành vi bạo lực tinh thần trong pháp luật về PCBLGĐ không còn phù hợp với Bộ Luật hình sự hiện hành.
Hình thức xử phạt đối với người có hành vi BLGĐ cần có những quy định đặc thù để nâng cao hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực là người vợ/chồng hoặc bố mẹ là người nộp tiền phạt hoặc phải lấy tiền từ quỹ chi tiêu chung của gia đình để nộp phạt cho người gây BLGĐ. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi BLGĐ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế phạt tiền người gây BLGĐ là người vợ/chồng bằng hình thức giáo dục bắt buộc.
Nạn nhân bạo lực gia đình thường là những người yếu thế, do đó họ dễ phải chịu những tổn thương nặng nề. Vấn đề bất cập là họ thường gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật. Thực tế cho thấy, đa phần nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự trợ giúp của pháp lý, ngoại trừ các vụ việc mang tính chất nghiêm trọng hay các vụ buộc phải xử lý hình sự.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có các quy định nhằm ngăn chặn, xử lý đối với những hành vi bạo lực gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã nghiêm cấm những hành vi bạo lực trong gia đình. Còn theo BLHS, người có hành vi bạo hành đối với người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc tội “Làm nhục người khác”. Ngoài ra, Luật phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định rõ, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có biện pháp xử lý phù hợp.
Theo các nghiên cứu, chỉ ra rằng: Chính sự im lặng của người vợ vô hình trung đã làm thỏa mãn bản tính bạo lực hung hăng của người chồng. Chị em cũng không chủ động tìm tới sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể ở địa phương bởi chính bản thân các chị em phụ nữ, đa số đều không nắm rõ các quyền của mình để được tôn trọng. Do đó, phá bỏ sự im lặng là một việc cần phải làm để chấm dứt nạn bạo lực gia đình đối với người vợ. Bởi một thực tế rằng bạo lực gia đình gần như bị khép kín trước những giám sát của xã hội, khi nạn nhân thường chọn cách chịu đựng khi cảm thấy bị ràng buộc cả về tinh thần, con cái và tài sản đối với người bạo hành.
Song song với đó, xã hội cũng cần có một cái nhìn cởi mở, cảm thông hơn với người phụ nữ cũng như sẵn sàng khuyến khích họ lên tiếng, bảo vệ họ bằng dư luận và các biện pháp thiết thực khác, để họ cảm thấy mình được an tâm, bình đẳng, không lo lắng, sợ hãi.
Hướng tới xóa bỏ dần tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt là vấn nạn bạo lực đối với người phụ nữ trong gia đình, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và xây dựng gia đình văn hóa. Ngoài ra, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và các trung tâm tư vấn phòng, chống bạo lực giới trong gia đình cần nâng cao vai trò của mình bằng nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; tăng quyền cho phụ nữ, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới. Cần có đường dây nóng hoạt động hiệu quả, tích cực để mỗi phụ nữ từ nông thôn đến thành thị khi bị bạo hành gia đình có thể gọi đến và được hỗ trợ ngay lập tức…
Giới truyền thông cũng cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, thực hiện các chương trình làm thay đổi những quan niệm lạc hậu; đề cao vai trò, giá trị của người phụ nữ trong xã hội. Nam giới cũng cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình khi biết chia sẻ công việc trong gia đình.
Cùng với đó, mỗi người phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về pháp luật, về quyền cá nhân. Người phụ nữ cần phải nâng cao hiểu biết và khéo léo tìm cách tiêu diệt mầm mống bạo lực gia đình bằng cách lên tiếng trước dư luận, tìm gặp luật sư, hay đơn giản là nhờ chính quyền cơ sở can thiệp khi bị bạo lực.
Ngoài ra, chị em cũng cần trau dồi thêm các kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, đặc biệt kiến thức gia đình, nuôi dạy con cái. Ngoài ra còn cần chú ý đến kiến thức về pháp luật, tìm hiểu Luật phòng chống bạo lực gia đình. Khi bị chồng bạo hành, người phụ nữ cần tìm đến cơ quan tư vấn, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, của hàng xóm, các ban ngành đoàn thể để sớm có sự can thiệp kịp thời
Bên cạnh đó, để khắc phục những hạn chế nêu trên cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính và điều kiện xử lý vụ việc BLGĐ, các quy định về cấm tiếp xúc. Quy định rõ nội dung quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật về PCBLGĐ.
Bổ sung các biện pháp đảm bảo để xây dựng và duy trì cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.
Bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương đối với nhiệm vụ PCBLGĐ.