Gia đình là một tiểu văn hoá hay là một tiểu hệ thống (phức thể) trong hệ thống xã hội (chỉnh thể). Giáo dục của thiết chế gia đình phản ánh sự phát triển của giáo dục xã hội. Văn hoá gia đình thể hiện trong mọi hành động sống hàng ngày, thể hiện trình độ hiểu biết, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm sống, kỹ năng thái độ, tri thức của các bậc cha mẹ. Từ cách ăn, tiếng nói, đến khuôn mẫu hành vi tác phong trong ứng xử, giao tiếp, cảm xúc, tình cảm, lối sống của các thành viên trong gia đình, cộng đồng và xã hội là những biểu hiện của văn hoá có khả năng “nhào nặn” nhân cách cho trẻ em một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Văn hoá gia đình – điều kiện để tái sản xuất ra con người xã hội, bên cạnh việc xây dựng gia đình văn hoá. Tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh thu hút sự tham gia hoạt động của mọi thành viên đặc biệt là thế hệ trẻ cũng là một trong những nội dung nhằm củng cố và xây dựng nền văn hoá vừa tiên tiến vừa đậm đà bản săc dân tộc. Trong các cộng đồng và gia đình có tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo với những giá trị nhân văn cũng là một bộ phận của văn hoá truyền thống, có nhiều giá trị cần được tôn trọng và phát huy.