Giáo dục gia đình đối với trẻ em là một quá trình xã hội hoá diễn ra trên hai mặt. Một mặt, trẻ em được học hỏi ở các bậc cha mẹ những kỹ năng, tri thức, kinh nghiệm sống, những giá trị chuẩn mực truyền thống… để trở thành con người xã hội, để tiếp nhận nền văn hoá, để học đóng vai trò gia nhập vào hoạt động xã hội. Mặt khác, trong đời sống hàng ngày, người cha và người mẹ đều có những cách thức gây ảnh hưởng riêng biệt đối với con trai, con gái. Bằng cách này hay cách khác, họ đã chuyển các giá trị vào nhân cách của con cái thông qua nêu gương.
Vì vậy, các bậc cha mẹ không thể không luôn tự giáo dục, phải “học để dạy” bằng nhiều con đường, nhiều phương pháp, nhiều môi trường và thông qua nhiều kênh thông tin. Ngày nay, trong “bối cảnh, điều kiện, hoàn cảnh mới, của mỗi gia đình” sự tham gia và tương tác đa chiều của mọi thành viên trong gia đình vào nhiều môi trường xã hội khác nhau đã làm tăng khả năng, phương thức giáo dục và tự giáo dục của gia đình. Việc “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy” được xem là sản phẩm của “giáo dục hiện đại”.