Mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang là vấn đề đáng báo động đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều đơn vị. Các địa phương đã triển khai các hoạt động tuyên truyền ở các trường học góp phần vào việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Nam giới cũng chịu áp lực trước bất bình đẳng giới
Việt Nam là một trong những nước đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Như chúng ta đã biết tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên là 102 – 106 bé trai/ 100 bé gái sinh ra sống. Ngoài mức này thì được coi là MCBGTKS. Ở Việt Nam tỷ số này đã tăng nhanh từ 106 bé trai/ 100 bé gái vào năm 2000 đến 111,5 bé trai/ 100 bé gái vào năm 2019. Tỷ số cao nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng là 115,3 bé trai/ 100 bé gái.
Một điều đặc biệt ở nước ta là tỷ số giới tính khi sinh cao ngay từ lần sinh đầu tiên (trong khi ở các nước khác thường cao từ lần sinh thứ 2 hoặc thứ 3) và tiếp tục cao ở lần sinh thứ 2 và thứ 3 nếu các lần sinh trước đó chưa sinh được con trai.
Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là hệ quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân cơ bản là truyền thống văn hóa trọng nam hơn nữ, muốn bằng được phải có con trai để nối dõi tông đường.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Mất cân bằng giới tính không chỉ tạo sức ép đối với phụ nữ mà còn vô hình tạo gánh nặng đối nam giới. Những “đặc quyền” như đàn ông phải là trụ cột gia đình, đàn ông phải là lãnh đạo,… chính là gánh nặng mà nam giới đang đối mặt. Đàn ông Việt Nam cũng phải chịu sức ép rất lớn như: đàn ông không được khóc, đàn ông phải thành đạt.
Tuyên truyền nhận thức về giới và bình đẳng giới ngay từ trường học
Để xóa bỏ định kiến về giới, cần phải có những giải pháp về tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho cả đối tượng nam giới và nữ giới.
Theo đó, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa: giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại.
Đồng thời, muốn xóa bỏ định kiến giới phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.
Việc đưa nội dung kiểm soát MCBGTKS vào các trường học là một biện pháp hiệu quả ở nước ta hiện nay. Đó là tập trung vào đối tượng “hạt nhân” là thanh niên thúc đẩy bình đẳng giới.
Tại Quảng Ninh, giai đoạn 2018-2021, các đơn vị, ngành chức năng đã phối hợp với 11 địa phương vùng dân tộc thiểu số tổ chức 38 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến trực tiếp về kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, bảo vệ trẻ em, hệ lụy của lựa chọn giới tính trước khi sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nhận biết và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Qua các buổi nói chuyện, tuyên truyền học sinh được cung cấp thông tin, kiến thức về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta nói chung và tại địa phương sinh sống nói riêng; nguyên nhân, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có biện pháp khắc phục đặc biệt là hành động của thế hệ trẻ.
Trên cơ sở đó thay đổi nhận thức của các em về quan niệm con trai, con gái; về lựa chọn giới tính khi sinh và giúp các em hiểu rõ các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh đều vi phạm pháp luật. Đồng thời giúp học sinh hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội trong việc can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.