Thông thường, nghiên cứu định hướng giá trị của mỗi loại hình gia đình được thực hiện theo thang giá trị, các giá trị, hệ giá trị cụ thể của mỗi gia đình ấy. Với mỗi loại hình gia đình, con người cụ thể, hệ giá trị gia đình thường bao hàm hệ giá trị gia đình cốt lõi chung của quốc gia, của vùng miền và hệ giá trị gia đình riêng, bộ phận, đặc thù, gắn liền với bối cảnh, điều kiện, không gian, thời gian xác định. Với tư cách là một thiết chế, “hệ giá trị gia đình” có tính độc lập và bền vững tương đối nhờ vậy chúng đảm bảo tính trật tự, ổn định tương đối trước những tác nhân, biến cố xã hội, hay những cuộc cách mạng xã hội thậm chí làm thay đổi trật tự, thể chế chính trị xã hội. Sự thay đổi vị trí, thang bậc trong bảng giá trị gia đình – sự chuyển dịch giá trị và thang giá trị càng khiến cho các quan điểm, quan niệm, cách hiểu về giá trị gia đình càng thêm phong phú, đa dạng.
Các giá trị và thang giá trị có vai trò định hướng hành vi lựa chọn của con người, của nhóm, cộng đồng và xã hội. Gia đình là tế bào, là nhóm, là thiết chế, là đơn vị xã hội có quan hệ hữu cơ với sự tồn tại và phát triển xã hội. Sự chuyển dịch hệ giá trị và thang giá trị trong mỗi loại hình gia đình như thế nào có vai trò quyết định xu hướng phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội. Theo đó quyết định chuyển dịch: vị thế, vai trò, nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình; cấu trúc của gia đình; và các chức năng cơ bản của gia đình. Nắm vững những thuộc tính cơ bản của các giá trị, hệ chỉ báo thang bậc của mỗi giá trị và hệ giá trị của các loại hình gia đình trong bối cảnh cụ thể sẽ tìm ra được định hướng giá trị. Nghiên cứu định hướng này là căn cứ khoa học để triển khai các chương trình hành động thực tiễn về xây dựng gia đình.