Gia đình là một chủ thể, một thiết chế quan trọng của giáo dục văn hóa. Giáo dục văn hóa trong gia đình đem đến cho mỗi thành viên những giá trị văn hóa mà gia đình có thể tiếp nhận được từ xã hội và văn hóa mà chính gia đình đã sáng tạo ra. Những gia đình có nghề nghiệp truyền thống, có khuôn mẫu văn hóa riêng, có uy tín xã hội cao… thường là những gia đình có những thành viên được xã hội tôn trọng.
Với lĩnh vực văn hóa, chức năng của giáo dục gia đình là chuyển giao các giá trị văn hóa giữa các thế hệ trong gia đình. “Gia đình với vai trò là thiết chế xã hội đầu tiên chịu trách nhiệm với việc xã hội hóa trẻ em, truyền thụ những giá trị văn hóa và xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua đó, các giá trị này được bảo tồn và phát huy” văn hóa gia đình là các giá trị gắn liền với các mặt của quan hệ gia đình và đời sống gia đình bao gồm các nội dung cơ bản: môi trường văn hóa gia đình, môi trường văn hóa cộng đồng và đời sống văn hóa xã hội.
Trên thực tế, chính từ cái rất cụ thể của gia đình mà hằng ngày con người được tiếp nhận, được thấm đượm trong môi trường gia đình lành mạnh thường tạo ra các thế hệ tương lai có ích cho gia đình và đất nước. Tác giả Lê Minh trong cuốn sách “Văn hóa gia đình Việt Nam và sự phát triển xã hội” nhấn mạnh: “Cái gốc văn hóa của con người là tiếp thu từ gia đình, từ truyền thống văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình tỏ ra môi trường sống, trong không khí sống của gia đình, trong mọi ứng xử của những thành viên trong gia đình đối với nhau, và đối với những người xung quanh” . Muốn có một môi trường sống, không khí sống giữa các thành viên thật sự văn hóa thì ngay từ khi lọt lòng trẻ nhỏ cần được tiếp nhận sự giáo dục ngay từ cha mẹ, ông bà và các thành viên khác trong gia đình. Mà các giá trị đứa trẻ cảm nhận hằng ngày từ khi còn trẻ thơ đến lúc trưởng thành ngay trong gia đình là cách cư xử giữa cha với mẹ, tình cha con, mẹ con, truyền thống kính già yêu trẻ, sống có trách nhiệm giữa các thành viên… là những yếu tố cấu thành giá trị chung của văn hóa xã hội lại do giáo dục gia đình xây dựng nên.