Trong các chính sách hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do tác động của COVID-19, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Ngày 12/11, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong nước, nước ngoài tại Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.
Theo báo cáo, hai năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã khiến cho bất bình đẳng gia tăng và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi hơn. Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng cho thấy, thế giới sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do COVID-19.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 được ban hành trong thời gian qua, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong do COVID-19,… điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bà Nguyễn Thị Hà cho biết, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bà Nguyễn Thị Hà cũng nhấn mạnh: “Một thế giới hòa bình, không có bạo lực, chiến tranh, không còn dịch bệnh, đói nghèo, công bằng và tràn ngập tình nhân ái là ước vọng của loài người. Khát vọng chính đáng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả các dân tộc, tất cả chúng ta cùng chung tay với đầy đủ hiểu biết, trách nhiệm và thực tâm”.
Để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới, ông Kidong Park, quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Ngoài việc thay đổi các chuẩn mực xã hội thông qua việc xây dựng văn hóa tôn trọng, bình đẳng đối với tất cả các giới, trong mọi hoàn cảnh bao gồm tại nhà, nơi làm việc, tại trường học và trên môi trường trực tuyến, chúng ta cần cam kết chính trị mạnh mẽ thể hiện qua việc xây dựng các luật, chính sách toàn diện.
Xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực giới đối với các nhóm khác nhau. Và quan trọng nhất là có các dịch vụ thiết yếu có nhạy cảm giới, đáng tin cậy, giá cả phải chăng cho người bị bạo lực”.
Thay mặt các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kidong Park cho biết, Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, hướng tới việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội vào việc thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực. Dẫn chứng là, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao hơn 3,46% so với khóa XIV và cao nhất từ Quốc hội khóa V trở lại đây. Nhiều bộ, ngành lần đầu tiên có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Kết quả công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đều có những chuyển biến tích cực. Chỉ số phát triển giới ở mức cao, đưa Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia.