Phương pháp luận nhận diện sự vận động, chuyển dịch nội hàm và ngoại diên của các cấp khái niệm này có ý nghĩa cơ bản, làm cơ sở cho các chương trình nghiên cứu hành động. Trong mỗi loại “hệ giá trị gia đình” như vậy lại có nhiều giá trị nhỏ khác nhau. Bản thân mỗi giá trị lại có những thang bậc của các biến số (chỉ báo thang giá trị), chúng phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể tác động và do đó vị trí trong thang bậc cũng thay đổi. Chính sự chuyển dịch những biến số của các thang giá trị này do tác động của bối cảnh, của các điều kiện khách quan, chủ quan và sự vận động tự thân của gia đình (do tương tác của các vị thế, vai trò, các thế hệ… trong gia đình) đã làm chuyển dịch “mỗi giá trị” và cả “hệ giá trị gia đình”. Hiển nhiên, như mọi sự vật và hiện tượng khác, khái niệm: “hệ giá trị gia đình”; các “giá trị gia đình”; “thang giá trị gia đình”; “định hướng giá trị gia đình”- tự bản thân nó luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng theo quy luật, tính quy luật đặc thù của nó và theo đó có vai trò định hướng hành vi lựa chọn của các chủ thể hành động và quyết định xu hướng phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ở cách nhìn giá trị động và giá trị tĩnh, giá trị gia đình còn được “sáng tạo” trong suốt quá trình tồn tại, tương tác của các thành viên trong mỗi gia đình. Cần xem xét trong “hệ giá trị gia đình” (các nhóm giá trị) thì phải đo lường giá trị nào “chuyển dịch – động” hơn giá trị nào và chúng hoán đổi vị trí cho nhau trong thang bậc của phát triển. Tiếp đó trong từng giá trị cụ thể cần xem xét chỉ báo – biến số phụ thuộc nào chuyển dịch – linh hoạt hơn so với biến khác. Phát hiện thuộc tính, đặc điểm “động” và nguyên nhân của các biến này có ý nghĩa rất quan trọng cho việc nhận diện và xác lập các biến can thiệp.
Các giá trị trong gia đình tạo nên hệ giá trị gia đình, trong đó mỗi giá trị có vị trí thang bậc xác định. Nhưng vị trí thang bậc đó không phải là nhất thành bất biến mà thay đổi theo những tác động bởi bối cảnh, điều kiện và hoàn cảnh nhất định. Khi chịu tác động của bối cảnh, các chức năng, cấu trúc, quan hệ trong gia đình sẽ thay đổi thì hệ giá trị, trật tự thang bậc của các giá trị và đặc biệt các biến số trong mỗi giá trị cũng sẽ bị thay đổi. Và ngược lại khi các giá trị định hình “ổn định tương đối” thì dẫn dắt định hướng hành vi lựa chọn của mỗi thành viên trong gia đình và theo đó vị thế, vai trò, nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình; cấu trúc của gia đình; các chức năng cơ bản của gia đình cũng trật tự và ổn định tương đối.
Sự chuyển dịch hệ giá trị và thang giá trị trong mỗi loại hình gia đình ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Đây là câu hỏi bao trùm mà tác giả bài viết vẫn thực sự đang băn khoăn, trăn trở, mong đợi để có đủ cơ sở thực tiễn nhận diện, nhưng thực sự khó có giải đáp cụ thể. Bởi lẽ để trả lời tường minh cho câu hỏi lớn này đòi hỏi phải có kết quả của nhiều nghiên cứu thực nghiệm triển khai, thao tác theo các cấp độ, trên mẫu lớn toàn Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn mong đợi nếu nhận diện sâu sắc, vừa khái quát chung, vừa chi tiết cụ thể của sự chuyển dịch này, tìm ra những tất yếu trên cả hai phương diện động lực và trở lực để từ đó có đủ cơ sở khoa học đề xuất hệ giải pháp đúng đắn, chiến lược thì sẽ góp phần vun đắp giá trị gia đình và phát triển toàn diện con người, cộng đồng, xã hội Việt Nam phù hợp thời đại và bền vững. Trong phạm vi quan tâm của tác giả, nhìn chung những kết quả nghiên cứu từ nhiều hướng tiếp cận gần đây về gia đình vẫn còn thiếu vắng những nghiên cứu thực nghiệm về “chuyển dịch hệ giá trị gia đình” (trong các loại hình) ở các vùng Bắc – Trung – Nam của nước nhà.