Sáng ngày 26 tháng 11 năm 2021 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã có buổi làm việc với đại diện Ủy ban xã hội Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tiếp thu ý kiến góp ý cho các nội dung của Dự thảo.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, liên quan nhiều đến chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành, liên quan đến đời sống của mỗi người dân, mỗi gia đình. Những vấn đề sẽ thảo luận ở nhiều diễn đàn, mong muốn có sự đồng hành của Ủy ban để có tiếng nói chung. Với cách tiếp cận bảo vệ quyền con người và tập trung lấy người bị bạo lực là trọng tậm, quan điểm xuyên suốt các chương, mục, điều của Dự thảo. Xác định là có nhiều điểm mới nên có nhiều ý kiến khác nhau, cùng nhau trao đổi, thảo luận để có thống nhất chung, vừa đảm bảo tính thực tiễn, tiến bộ so với các quy định, nhất là luật pháp quốc tế, đảm bảo tính thống nhất và tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành. Thứ trưởng cho biết có rất nhiều những nội dung quy định của dự thảo liên quan trực tiếp tới trách nhiệm của các Bộ, ngành này, chính vì vậy Ban soạn thảo muốn lắng nghe để có thể đưa ra những nội dung của dự thảo luật phù hợp với tình hình thực thi pháp luật hiện nay.
Tại buổi làm việc, Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình đã nêu một số vấn đề trọng tâm xin ý kiến các đại biểu tham dự như: Một số ý kiến không nên đưa vào các trường hợp đã ly hôn; Bạo lực giới và bạo lực gia đình; Nghiện rượu bia gây bạo lực gia đình; Hoà giải; Yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở công an; Xử lý người dung túng, bao che cho hành vi BLGĐ…
Các đại biểu cũng đã có những đóng góp cụ thể chi tiết cho các điều, khoản và các từ ngữ, khái niệm sao cho sát hơn với thực tiễn trong lĩnh vực và trách nhiệm của từng bộ, ngành. Đồng thời cũng đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc về một số những nội dung như luật có nên áp dụng với cả những trường hợp vợ, chồng đã ly hôn hoặc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn hay không? Việc hòa giải tại cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng trong phòng, chống bạo lực gia đình cần phải tăng trách nhiệm tránh trường hợp kéo dài hoặc giải quyết không triệt để; Cần có Quỹ hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là việc làm cần thiết nhưng cũng cần quy định cụ thể hơn; Cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của Bộ Công an trong việc phối hợp xử lý các vụ việc bạo lực gia đình;Việc áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải đảm bảo tính logic, phù hợp hơn…
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại diện Ủy ban xã hội Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại buổi làm việc, đồng thời cũng đề nghị tiếp tục đồng hành phối hợp với Bộ VHTTDL nghiên cứu kỹ, sâu các nội dung, chi tiết quy định cụ thể để tiếp tục hoàn thiện để có một Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) thực sự sát với thực tế. Hiện Dự thảo Luật đã được đăng trên cổng Thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin của Bộ VHTTDL lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.