Trong 3 ngày từ 9/12 đến ngày 11/12 Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo Tham vấn dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Tham dự Hội thảo có một số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đại diện Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một số chuyên gia về lĩnh vực gia đình…. Hội thảo do ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình chủ trì.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Khuất Văn Quý nhận định luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua ngày 21.10.2007 có hiệu lực thi hành từ 01.07.2008 đã thể chế các chủ trương của Đảng về bảo vệ các quyền cơ bản của con người trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh các quan hệ gia đình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ, tạo cơ sở pháp lý để việc ban hành các chính sách cụ thể về PCBLGĐ, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và đời sống xã hội. Mặc dù được đánh giá là có bước tiến bộ rất quan trọng vào thời điểm Luật được ban hành, nhưng đến nay, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, xử lý người gây ra bạo lực cũng như các biện pháp đảm bảo trong PCBLGĐ. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương triển khai xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Bộ VHTTDL đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên gia, ban soạn thảo tổ biên tập và xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến nhân dân. Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lần này với mục đích xin ý kiến thảo luận, góp ý của đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia công tác PCBLGĐ.
Tại Hội thảo, đại diện Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một số chuyên gia về lĩnh vực gia đình đã tập trung thảo luận, trao đổi rất sôi nổi, nhất là với những nội dung quy định mới như: Luật này áp dụng với các trường hợp: vợ chồng kết hôn hợp pháp; vợ chồng đã ly hôn; sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn; Khẳng dịnh rõ hòa giải không phải là biện pháp xử lý và đưa ra 3 cấp độ hòa giải, cơ quan soạn thảo xin ý kiến về nội dung này; Việc quy định tính nêu gương đối với đảng viên và công chức, viên chức…; Người có hành vi bạo lực gia đình phải học một số quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; người nghiện rượu, bia gây bạo lực gia đình phải thực hiện cai nghiện rượu, bia tự nguyện hoặc bắt buộc; Xử lý người dung túng, bao che hành vi BLGĐ, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong PCBLGĐ là giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục bất cập từ sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận trong đó có người đứng đầu đối với công tác PCBLGĐ, xin ý kiến đại biểu về nội dung này; Để bảo vệ phụ nữ sau ly hôn và bảo vệ quyền được chăm sóc của trẻ em, dự thảo đề xuất việc cưỡng chế thực hiện cấp dưỡng.