Trong những năm qua cùng với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các ngành các cấp, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã từng bước đưa công tác phòng chống bạo lực gia đình trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cấp Hội.
Đặc biệt từ năm 2011 đến nay với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Qũy dân số liên hợp quốc UNFPA và sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành, các cấp trong khuôn khổ thực hiện Đề án 235 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam: Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 – 2021 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ cụ thể như sau: Theo báo cáo từ 59/63 tỉnh thành phố trong cả nước và tổng hợp 250 nghìn phiếu đánh giá kết quả, tác động các hoạt động của Đề án đối với các cán bộ, hội viên nông dân cho thấy: Các hoạt động của Đề án giai đoạn 2015 – 2021 triển khai đến 70% các xã phường trong cả nước đã làm thay đổi các thói quen, nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình, ý thức, trách nhiệm của các nam nông dân được nâng lên rõ rệt và giúp họ trở thành người bạn, người đồng hành, người chồng tốt hơn, đáng tin cậy, biết cách lắng nghe, biết cách thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng, những niềm vui, nỗi buồn của vợ và các con mình. Đồng thời cũng giúp chị em phụ nữ ở khu vực nông thôn Việt Nam biết cách yêu thương, trân trọng, chăm sóc chính bản thân mình, mạnh dạn lên tiếng tố cáo các hành vi bạo lực gia đình, gắn kết các thành viên trong gia đình để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Riêng với Hội Nông dân, trong thời gian tới với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Qũy dân số Liên hợp quốc UNFPA các cấp Hội nông dân sẽ triển khai thí điểm xây dựng đường dây nóng Hotline để tăng cường tiếp cận thông tin và dịch vụ hỗ trợ cho nữ hội viên, nông dân là nạn nhân bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam và giáo dục, tư vấn, hỗ trợ nam giới có nguy cơ cao gây ra bạo lực gia đình từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên tại Viêt Nam.