Ngày 22 tháng 11 năm 2021, Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ban hành văn bản số 848/LHHVN-TVPB về việc góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với một số nội dung cụ thể như sau:
Về đối tượng áp dụng (Điều 2): Nội dung quy định tại khoản 3 Điều 2 của Dự thảo Luật diễn đạt chưa rõ, gây khó hiểu. Khoản 1 và Khoản 2 quy định áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam, cá nhân người nước ngoài cư trú tại Việt Nam – nghĩa là bao trùm rất rộng. Nhưng Khoản 3 lại quy định đối tượng cụ thể “Luật này áp dụng đối với cả những trường hợp vợ, chồng đã ly hôn hoặc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn”. Các Khoản nêu trên quy định chưa thống nhất về tính tương đồng, nên khi đọc Điều 2, dễ bị hiểu nhầm rằng luật này chỉ áp dụng đối với các trường hợp được nêu trên còn với các trường hợp vẫn đang là vợ chồng hoặc các thành viên trong gia đình khác sẽ không thuộc phạm vi của đối tượng áp dụng.
Về Giải thích từ ngữ (Điều 3): Ban soạn thảo nên cân nhắc việc giải thích từ ngữ thông qua định nghĩa thay vì liệt kê các trường hợp như tại Khoản 11, Điều 3, vì việc liệt kê khó đảm bảo đầy đủ các trường hợp có thể xảy ra trong thực tiễn nên dễ dẫn đến thiếu sót.
Đề nghị xem xét lại cụm từ “nhạy cảm giới” được sử dụng trong Dự thảo. Việc giải thích khái niệm “nhạy cảm giới” tại Khoản 16, Điều 3 cũng gây khó hiểu cho người đọc.
Về giám sát của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội: Điều 14 của Dự thảo Luật quy định “Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình….”. Quy định này chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 là Quốc hội “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.”. Nghĩa là, theo quy định của Hiến pháp thì Quốc hội chỉ giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, chứ không giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật nói chung, bao gồm giám sát việc thực hiện nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, các văn bản của chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định lại nội dung nêu trên để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Dự thảo quy định “Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”. Đây là quy định mới về phối hợp giám sát của các cơ quan của Quốc hội về một vấn đề. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ cả 9 Hội đồng và Ủy ban của Quốc hội đều phối hợp với Ủy ban xã hội hay chỉ có một số Ủy ban phối hợp và cơ chế phối hợp giám sát như thế nào?
Các chính sách đối với người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 46): Khoản 2 Điều 46 của Dự thảo Luật quy định: “Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người tố giác hành vi bạo lực gia đình nếu bị thiệt hại về tài sản mà người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thì được Nhà nước hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại”. Việc quy định như trên là không phù hợp, không thống nhất với pháp luật dân sự là người gây thiệt hại phải bồi thường và vấn đề này đã được quy định trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, đề nghị sửa lại quy định của Khoản 2 nêu trên để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nêu cao ý thức, trách nhiệm của người gây thiệt hại tài sản. Khoản 3 Điều 46 của Dự thảo Luật quy định: “Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình có hành vi dũng cảm, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân nếu bị chết thì được xem xét công nhận như liệt sỹ, bị tổn hại sức khỏe được xem xét công nhận như thương binh”. Việc quy định như Dự thảo dễ bị coi là lạm dụng danh hiệu “liệt sỹ, thương binh” của Nhà nước ta vốn chỉ được sử dụng dành cho các cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đã hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Hơn nữa, Dự thảo còn quy định người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình “cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân” là không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật PCBLGĐ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ Khoản 3 Điều 46 của Dự thảo Luật.
Khoản 1, Điều 29 của Dự thảo Luật quy định địa chỉ tiếp nhận tin báo về vụ việc bạo lực gia đình chỉ viết là cấp xã, đề nghị bổ sung thêm “phường, thị trấn” cho đầy đủ.
Mục I, Chương IV quy định về báo tin, phân loại vụ bạo lực gia đình, nhưng nội dung chưa có quy định về phân loại vụ bạo lực gia đình cụ thể. Đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu, phân loại vụ bạo lực gia đình dựa theo tính chất của hành vi bạo lực, như: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế. Với các vụ BLGĐ có tính chất khác nhau thì cách xử lý cũng khác nhau. Do đó, việc phân loại sẽ giúp cho các hoạt động ngăn chặn, bảo vệ đối với từng vụ BLGĐ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Khoản 2, Điều 38: “Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình tối thiểu 50m, trường hợp có vật ngăn cách đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không giới hạn khoảng cách”. Quy định khoảng cách tối thiểu 50m là không có cơ sở.
Điều 52 của Dự thảo Luật quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dung túng, bao che hành vi bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang”. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại quy định này, vì một hành vi vi phạm bị áp dụng 2 hình thức xử phạt, xử là quá nghiêm khắc.
Điều 57 quy định các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm khá nhiều các đơn vị có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân. Trên thực tế, bên cạnh các tổ chức nêu trên, có nhiều đơn vị khác cũng tham gia vào việc phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, ví dụ như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các quỹ từ thiện… Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung vào dự thảo Luật.
Tại Mục c Khoản 1, Điều 63 của Dự thảo Luật quy định: “Người đứng đầu cơ sở phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp đang trong thời gian chấp hành … quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục…”. Đề nghị Ban soạn thảo sửa lại thành “đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Đề nghị không gộp đường dây phòng, chống bạo lực trẻ em với đường dây phòng, chống bạo lực gia đình. Nên tách ra làm 2 đường dây riêng.