Thực hiện công văn số 3719/BVHTTDL-GĐ ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch về việc xin ý kiến góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021; Công văn số 15090/UBND-VP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021.
Sau khi nghiên cứu 04 dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021 gồm các Quyết định phê duyệt: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có ý kiến góp ý như sau:
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Thống nhất về bố cục. Về nội dung: Tại mục 3, Phần III (Các chỉ tiêu phấn đấu) có Chỉ tiêu 1: Đề nghị tách thành 2 chỉ tiêu cụ thể vì nhiệm vụ này thuộc hai ngành khác nhau. Và chỉ tiêu “Đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình được cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về gia đình” này không thay đổi so với giai đoạn trước, đề nghị nghiên cứu thêm; Chỉ tiêu 2: Đề nghị giao cho cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì; Chỉ tiêu 3: Đề nghị xem lại chỉ tiêu phấn đấu vì theo giai đoạn trước đã ban hành là: “Phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và đến năm 2020 đạt 90% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình”, mà giai đoạn mới này chỉ tiêu phấn đấu lại thấp hơn; Chỉ tiêu 4: Chỉ tiêu này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL, đề nghị giao chỉ tiêu này cho Bộ, ban, ngành phù hợp; Chỉ tiêu 6: Đề nghị bổ sung tỷ lệ % của năm 2025; đồng thời cụ thể hóa cụm từ “hệ giá trị gia đình” có hướng dẫn cụ thể để địa phương hiểu rõ và triển khai đạt kết quả. Tại khoản 8, mục IV: Các giải pháp thực hiện chiến lược: Đề nghị bổ sung thời gian sơ kết vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030. Tại Mục VII. Tổ chức thực hiện: Đề nghị bổ sung thêm phần nhiệm vụ cho Hội Người Cao tuổi vì ở chỉ tiêu 2 có nội dung liên quan đến người cao tuổi. Tại điểm a, khoản 1, mục VII: Đề nghị không giao Chỉ tiêu 4 cho Bộ VHTTDL vì chỉ tiêu này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL. Tại điểm c, khoản 1, mục VII: Đề nghị lồng ghép vào mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình có sẵn tại cơ sở, không xây dựng và nhân rộng các mô hình mới do nhân sự ở cở sở ít và phải kiêm nhiệm rất nhiều việc nên thành lập mô hình mới sẽ không hoạt động hiệu quả. Tại khoản 13, mục VII: Đề nghị bổ sung cụm từ “và tổ chức” sau cụm từ “xây dựng kế hoạch”. Tại điểm b, khoản 16, mục VII: Đề nghị sửa thành “Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về gia đình; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác gia đình. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên Dân số kiêm Công tác Gia đình và Trẻ em ở cơ sở”. Tại khoản 21, mục VII: Đề nghị bổ sung thêm dòng thực hiện chỉ tiêu 3 cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cụ thể “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu 3 của Chiến lược”.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Thống nhất về bố cục. Về nội dung: Tại Chỉ tiêu 2, mục tiêu 1: Đề nghị tách đối tượng được tập huấn theo nhóm thuộc các ngành phụ trách thì mới có thể đạt được chỉ tiêu này. Tại chỉ tiêu 8, mục tiêu 3: Đề nghị sửa lại tỷ lệ “hằng năm duy trì đạt trên 90% người vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình … gia đình” vì mốc đến năm 2025 đạt 90%. Tại chỉ tiêu 11, mục tiêu 3: Đề nghị sửa lại tỷ lệ “hằng năm duy trì đạt ít nhất từ 70%. Tại Chỉ tiêu 15, mục tiêu 4: tỷ lệ trên 95% xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Trung ương là quá cao, vì sau khi thành lập 01 năm Bộ VHTTDL không còn hỗ trợ kinh phí thì mô hình này không còn nguyên thủy nữa mà các địa phương đã lồng ghép hoạt động với các mô hình của Hội LHPN. Tại điểm b, khoản 3, mục IV: Đề nghị chuyển sang khoản 5 mục này cho phù hợp với nội dung “Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành”. Tại điểm a, khoản 3, và tại điểm e, khoản 4 – mục IV: có xây dựng 02 mô hình: “Mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và gia đình” và “mô hình nhóm đồng hành cùng trẻ em thực hiện quyền, bổn phận”. Đề nghị nên đưa các nội dung, nhiệm vụ của hai mô hình này vào câu lạc bộ, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay đã có sẵn tại động đồng vì nhân sự tại cơ sở ít và phải kiêm nhiệm rất nhiều nên sẽ khó thực hiện. Tại Mục IV: Bên cạnh phân công nhiệm vụ của các Bộ, ngành, đề nghị bổ sung phân công đơn vị chủ trì và phối hợp thực hiện các chỉ tiêu. Tại khoản 5, phần IV: Nhiệm vụ và giải pháp: Đề nghị chỉnh sửa lại các dấu “-” đầu dòng thành các điểm a), b), c), d) cho thống nhất với các điểm khác trong dự thảo.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đến năm 2020: Về hình thức: Đề nghị in đậm các mục và khoản trong dự thảo; bổ sung dấu “:” sau từ QUYẾT ĐỊNH. Về nội dung: Tại khoản 7, mục IV: Đề nghị đưa nội dung mô hình “người mẹ mẫu mực” và mô hình “Gia đình tôi yêu” lồng ghép vào các mô hình đã có sẵn ở cộng đồng. Tại khoản 8, mục IV: Đề nghị xem xét tính khả thi vì để thành lập các trung tâm, cơ sở tư vấn, giáo dục tiền hôn nhân cần phải đảm bảo các nguồn lực: nhân sự, kinh phí. Trong các thủ tục hành chính lĩnh vực gia đình hiện nay kể từ ngày Bộ VHTTDL ban hành cho đến nay tỉnh chưa nhận được bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào đăng ký Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình hay Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nào.
Đối với dự thảo Quyết định Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới: Đề nghị phần IV. Tổ chức thực hiện: Cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ban, ngành, đoàn thể thực hiện kế hoạch.