Có thực tế nữ giới tự trói buộc, tự định kiến mình trong những khuôn vàng thước ngọc của quan điểm giới trước đây qua một loạt các chỉ báo. Nữ giới đồng ý cao hơn nam giới về việc nên tạo điều kiện cho chồng trong nghề nghiệp. Trong lựa chọn bạn đời, nữ đánh giá tầm quan trọng cùa giá trị truyền thống trong hôn nhân như gia đình tương đồng về hoàn cảnh và kết hôn với người cùng địa phương/dân tộc cao hơn. Nữ giới cũng có xu hướng đề cao giá trị vật chất và yếu tố nội hôn hơn nam giới. Trong khi đó, nam giới, người dân ở thành thị quan tâm nhiều hơn đến ngoại hình của bạn đời. Nữ giới có xu hướng đồng tình với mô hình tuổi truyền thống (chồng lớn tuổi hơn vợ) cao hơn nam giới.
Nghiên cứu cho thấy hiện tượng bảo lưu những tiêu chuẩn kép khắt khe đối với phụ nữ và xu hướng vị tha hơn cho nam giới trong vấn đề chung thủy. Nhóm coi trọng chung thủy của phụ nữ bao gồm dân tộc thiểu số, học vấn thấp, nông thôn. Phụ nữ cũng tỏ ra khắt khe với việc ngoại tình của phụ nữ khác hơn là với việc ngoại tình của người đàn ông khác, nhất là những phụ nữ lớn tuổi.
Đồng thời, phụ nữ Việt Nam đang có xu hướng giải phóng tư tưởng khá mạnh mẽ, có nhiều quan điểm hiện đại và cởi mở vể hôn nhân và gia đình, thoát li khỏi những định kiến giới truyền thống và phân công vai trò giới truyền thống. Nữ giới có xu hướng đồng ý nhiều hơn so với nam giới ở các nhận định mang tính hiện đại. Chẳng hạn, số phụ nữ thích sống độc thân và không lập gia đình, ủng hộ làm mẹ đơn thân cao hơn nam giới. Nữ giới đánh giá cao giá trị của cuộc sống vợ chồng riêng tư trong đảm bảo bền vững gia đình hơn so với nam giới. Phụ nữ quan tâm đến các khía cạnh kinh tế như thu nhập đến bền vững gia đình.
Đối với nam giới, dường như đang trong xung đột của hệ giá trị cũ và mới, và mức độ chấp nhập việc giảm dần vai trò và tiếng nói của mình theo chế độ gia trưởng chậm hơn so với mức độ phụ nữ nhận thức được quyền bình đẳng và vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Nam giới vẫn thiên về bảo lưu những giá trị gia đình, vai trò giới truyền thống. Chẳng hạn, tỷ lệ nam giới ủng hộ việc đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình và cho rằng khi có con, phụ nữ nên lui về chăm sóc gia đình cao hơn so với nữ giới. Nam giới cũng mong đợi sự chung thủy trong quan hệ vợ chồng nhiều hơn. Nam giới quan tâm đến hòa hợp tình dục trên mọi chỉ báo cao hơn nữ.
Trong kinh tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột trong gia đình. Nhiều nữ giới ủng hộ vai trò kinh tế quyết định hạnh phúc nhưng tỷ lệ nam giới hướng đến mục tiêu giàu có cho gia đình lại cao hơn, trên khía cạnh nào đó, nam giới vẫn được kì vọng xã hội về trụ cột kinh tế cho gia đình. Kết quả nghiên cứu này đặt vấn đề về sự kỳ vọng xã hội về vai trò giới trong việc làm. Theo đó, người chồng được mong đợi lớn từ phía xã hội với những khuôn mẫu có sẵn dành cho họ. Điều này có thể là một gánh nặng tâm lý đối với nam giới bởi vì không phải trong thời điểm nào, không phải người nam giới nào cũng có đầy đủ phẩm chất và năng lực để đảm đương được những trách nhiệm đó. Nhất là hiện nay, khi người phụ nữ đang dần trở thành một lực lượng cạnh tranh với nam giới trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong vai trò cộng đồng và xã hội, nam giới cũng sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng cao hơn, vì xã hội cao hơn, có sự gắn kết cộng đồng cao hơn. Trong vai trò với dòng họ, nam giới thể hiện sự ủng hộ việc giữ gìn nề nếp gia phong cho con cháu cao, ủng hộ vai trò con trai trong thờ cúng tổ tiên cao. Nam giới coi trọng giá trị kinh tế và giá trị xã hội của con cái.