Khác biệt con trai, con gái được nhìn nhận ở ba khía cạnh là đầu tư cho học hành, thừa kế tài sản và thờ cúng tổ tiên. Các yếu tố hiện đại hóa như trình độ học vấn góp phần làm cho quan niệm về phân chia tài sản thừa kế thay đổi theo chiều hướng công bằng và bình đẳng hơn cho phụ nữ nhưng con trai phần nào vẫn có ưu thế hơn về thừa kế tài sản dù mức chênh không nhiều. Có những thay đổi lớn trong quan niệm về việc thờ cúng tổ tiên, theo đó, con trai và con gái đều có vai trò.
Nhóm vẫn duy trì quan niệm bất bình đẳng/gia trưởng về khác biệt giới trong đầu tư và chăm sóc con cái là nhóm có học vấn thấp, lớn tuổi, nam giới, dân tộc Kinh (văn hóa), khu vực phi chính thức (tự doanh, làm cho tư nhân), sống ở nông thôn, và mức sống nghèo. Các gia đình ở vùng kinh tế phát triển hơn như khu vực Đông Nam Bộ có mức ủng hộ quan điểm bình đẳng trai gái rõ ràng nhất. Học vấn là biến số ảnh hưởng mạnh nhất, càng học vấn thấp, càng có mức ủng hộ quan điểm truyền thống về khác biệt con trai, con gái. Các gia đình có mức sống cao thường đề cao sự bình đẳng giữa con trai và con gái trong cả ba chiều cạnh gồm cơ hội học tập, thừa kế tài sản và thờ cúng tổ tiên hơn các nhóm nghèo. Vì vậy, để thay đổi các quan niệm truyền thống về sự khác biệt giữa con trai và con cái, cải thiện mức sống cho người dân cũng là một yếu tố cần được tính đến.
Hầu hết cha mẹ đều đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai của con cái trong đó mong ước cho con có cuộc sống gia đình hạnh phúc và công việc ổn định dường như đã trở thành một hằng số chung cho cả con trai và con gái của tất cả các nhóm cha mẹ không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn, giới tính, dân tộc, nơi cư trú, mức sống của hộ gia đình và vùng miền. Đối với các tiêu chí liên quan đến sự thành đạt, nhìn chung cách nhìn của cha mẹ phần nào bảo lưu quan niệm giới truyền thống trong đó cha mẹ thường đặt nhiều kỳ vọng ở con trai hơn con gái dù mức chênh không lớn.
Trong việc giáo dục con hiện nay, đại đa số người trả lời cho rằng đây là trách nhiệm chung của hai vợ chồng nhưng một bộ phận người dân vẫn coi việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm chính của người vợ. Theo giới, phụ nữ đề cao vai trò của chính mình trong việc nuôi dạy con cái hơn nam giới. Những người trẻ, học vấn cao, dân tộc thiểu số, có cách nhìn hiện đại hơn và bình đẳng hơn về việc nuôi dạy con cái theo hướng là trách nhiệm của hai vợ chồng chứ không phải của phụ nữ.
Trong việc giáo dục đạo đức cho con cái, cha mẹ chú trọng giáo dục các đức tính tốt đẹp cho cả con trai và con gái, không có sự phân biệt theo giới tính của con trong đó cha mẹ coi trọng nhất việc con cái nghe lời và khéo cư xử với tỷ lệ lựa chọn gần như tuyệt đối. Ngược lại, việc cha mẹ dạy con làm các công việc nhà có sự phân biệt theo giới một cách rõ nét. Cha mẹ thường dạy con gái hai công việc thường được gắn cho phụ nữ gồm dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn, may vá trong khi việc sửa chữa các vật dụng trong gia đình, cha mẹ thường dạy con trai nhiều hơn. Chính cách thức dạy dỗ của cha mẹ có thể góp phần hình thành quan niệm về sự phân công lao động theo giới của con cái.