Gia đình tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội. Để đảm bảo xây dựng công tác gia đình, việc thu thập đầy đủ, có hệ thống các số liệu thống kê về gia đình, thường xuyên thực hiện các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội là quan trọng. Việc xây dựng được hệ giá trị của gia đình Việt Nam là đặc biệt quan trọng.
Sự biến đổi các đặc điểm của gia đình diễn ra không như nhau giữa các nhóm gia đình khác nhau về mức sống, trình độ học vấn, khu vực sinh sống, vùng miền. Vì thế, cần có chính sách hỗ trợ các nhóm gia đình yếu thế hơn về kinh tế, thông tin, kiến thức xã hội nhằm giúp các gia đình này phát triển kinh tế, tăng cường thực hiện tốt các chức năng của mình.
Giáo dục gia đình là cần đề hệ trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực, và sự bền vững của thiết chế gia đình. Việc quan tâm đến giáo dục trước, trong và hậu hôn nhân, phát triển các dịch vụ tư vấn về quan hệ vợ chồng là cần thiết.
Mô hình gia đình Việt Nam chuyển đổi nhanh sang gia đình qui mô nhỏ ít người là vấn đề cần quan tâm đặc biệt khi hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.
Gia đình Việt Nam hình thành nhiều loại hình gia đình mới: gia đình đơn thân, gia đình khuyết thế hệ, gia đình đồng tính, gia đình neo đơn, gia đình đa dân tộc, gia đình đa văn hoá, vv đặt ra nhu cầu có những chính sách phù hợp với từng hình thức gia đình.
Hệ thống dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các thành viên gia đình trước, trong và sau hôn nhân. Công tác xã hội dành cho gia đình ngày càng cần thiết và phát triển.
Bất bình đẳng giữa các nhóm gia đình sẽ có xu hướng tăng. Để nâng cao phúc lợi gia đình, hạn chế bất bình đẳng về thành quả và cơ hội cần tạo môi trường bình đẳng về kinh tế, về phát triển con người, về xã hội thông qua việc trao quyền và thúc đẩy sự tham gia. Trong đó có hỗ trợ sự phát triển khu vực phi chính thức (thể chế, tín dụng, đất đai, thuế, công nghệ…), khu vực nhà ở tự xây; Hỗ trợ về thể chế và tín dụng nhằm thúc đẩy sự phát triển khu vực nhà ở xã hội, nhà cho thuê, nhà ở giá hợp lý tại các khu vực đô thị và nông thôn; …
Gia đình tiếp tục là lưới an sinh xã hội quan trọng đảm bảo khả năng phòng vệ và bền vững của gia đình trước các nguy cơ, rủi ro. Chính sách của nhà nước ổn định kinh tế gia đình được thể hiện trên nhiều phương diện: chính sách bảo đảm công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới có thu nhập độc lập đóng góp cho kinh tế gia đình; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người lao động và gia đình người lao động có thu nhập thấp; chính sách hỗ trợ người lao động di cư và gia đình người lao động di cư ổn định cuộc sống; chính sách cho vay vốn, ưu đãi tín dụng phát triển kinh tế gia đình; chính sách hỗ trợ cha mẹ nuôi con nhỏ; chính sách xóa đói giảm nghèo; v.v..
Phụ nữ ngày càng độc lập và khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội, đòi hỏi nam giới cần có thay đổi nhận thức về bình đẳng giới phù hợp với thực tiễn xã hội.
Những vấn đề liên quan đến mối quan hệ tâm lý-tình cảm vợ chồng sẽ là vấn đề quan trọng, đặc biệt trong điều kiện mà sự xa cách về không gian di cư trong cuộc sống vợ chồng. Bên cạnh các chính sách vĩ mô của nhà nước, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng xây dựng cuộc sống hài hòa vợ-chồng cho các cặp vợ chồng là rất quan trọng.
Phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn về quan hệ vợ chồng và dịch vụ phục vụ đời sống gia đình. Những vấn đề nẩy sinh trong mối quan hệ vợ chồng cần được tư vấn bao gồm cả những vấn đề về tâm lý tình cảm, ứng xử vợ chồng, vấn đề về sức khỏe sinh sản và đời sống tình dục vợ chồng, vấn đề nuôi dạy con cái, vấn đề về pháp lý, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phát triển kinh tế gia đình, v.v..
Quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Có các biện pháp hỗ trợ, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng lối sống phù hợp cho trẻ vị thành niên cũng như trong ứng xử giữa các thế hệ trong gia đình nhằm giảm thiểu bất đồng giữa các thế hệ. Hỗ trợ các bậc cha, mẹ để họ có những phương pháp, biện pháp, nội dung giáo dục mới phù hợp với sự thay đổi những giá trị mới của gia đình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sắp xếp và tổ chức cuộc sống gia đình của người di cư lao động nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn của cuộc sống gia đình, việc học hành của trẻ em. Xây dựng môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống những tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí và lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách trẻ em.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, xu thế giảm chức năng chăm sóc người cao tuổi của gia đình là không thể đảo ngược, do đó, xã hội cần chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công để phục vụ nhu cầu của người cao tuổi, đồng thời tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia vào việc hỗ trợ người cao tuổi. Hiện nay ở nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới phục vụ người cao tuổi- như dịch vụ nuôi dưỡng người cao tuổi dưới hình thức đầu tư tư nhân, cổ phần….Loại hình dịch vụ này tuy còn mới mẻ, song khá hiệu quả . Các địa phương cần tổng kết , đúc rút kinh nghiệm rồi tuyên truyền mở rộng , đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người cao tuổi trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi, nhất là dưới tác động của nền kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Cần thiết phải có những nghiên cứu sâu hơn về hệ thống giá trị gia đình, các loại hình gia đình mới, sự thay đổi các chức năng gia đình, cũng như các vấn đề trẻ em, người cao tuổi.
Ly hôn tiếp tục tăng, đặt ra những vấn đề xã hội về khả năng thích nghi, hoà nhập xã hội sau ly hôn, khả năng tái hôn, mối quan hệ cha mẹ con cái sau ly hôn, vv.
Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra, còn được nhiều chuyên gia gọi là “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, được dự báo làm giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhiều lao động có thể sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là lao động ít kỹ năng nên phải chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển. Cuộc cách mạng này với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin có thể trở thành công cụ quan trọng giúp mở cơ hội cho các thành viên gia đình. Tuy nhiên, nó cũng được dự báo sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho Việt Nam với nguy cơ mất việc làm, bị máy móc thay thế con người, và tác động đến không gian tình cảm của gia đình.
Bối cảnh mới hiện nay như kỹ thuật số, cách mạnh công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, vv. đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới, “động” hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị, vv, tìm hiểu và thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào các quá trình phát triển xã hội bền vững, vì các mục tiêu và động lực phát triển hiện nay đều nhấn mạnh đến nhân tố phát triển con người, cũng chính là đảm bảo sự ổn định và phát triển của gia đình, nơi mỗi cá nhân con người của xã hội sinh ra, lớn lên và trưởng thành.