Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An – cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã có báo cáo số 1823/BC-SVHTT về tình hình thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thực hiện Kế hoạch 4747/KH-BVHTTDL ngày 19/10/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức thực hiện thí điểm “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình”; Quyết định số 1793/QĐ-BVHTTDL ngày 17/5/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2019; Nghệ An dù không nằm trong diện các tỉnh được hỗ trợ xây dựng, nhưng nhận thấy việc triển khai thực hiện thí điểm “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ Văn hóa và Thể thao là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực, là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm xây dựng theo mẫu phiếu2 riêng phù hợp cho công tác tuyên truyền và thực hiện tại 02 đơn vị (Xã Châu lý – huyện Quỳ hợp và Phường Nghi Thu – Thị xã Cửa Lò).
Về nội dung thực hiện, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tiến hành lựa chọn địa chỉ thực hiện thí điểm, ký cam kết thực hiện thí điểm; xây dựng, nhân bản tài liệu mẫu có các nội dung hướng dẫn, mẫu tờ gấp, pano, khẩu hiệu; mẫu phiếu đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí, phiếu khảo sát đánh giá thực hiện Bộ tiêu chí; tập huấn, hướng dẫn việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác gia đình, công tác văn hóa cơ sở, công tác văn hóa dân tộc, công tác phụ nữ cấp huyện, thị xã và cấp phường, xã, thị trấn…; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nội dung của Bộ tiêu chí.
Về kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” ở Nghệ An, báo cáo nêu rõ việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 02 đơn vị trên tạo được đồng thuận rất lớn rất lớn trong quần chúng nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Việc triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua những chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ Tiêu chí được chú trọng, bằng nhiều hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi, tâm lý, sở thích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các nội dung của Bộ tiêu chí còn được lồng ghép trong các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động gia đình “5 không – 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, phong trào “3 không – 3 có”, phong trào tuyên dương “Người tốt, việc tốt” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp với nhiều nội dung và hình thức trong tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo liên quan về “Gia đình truyền thống và hiện đại”, “Dinh dưỡng gia đình trẻ”, “An toàn vệ sinh thực phẩm”, “Giáo dục gia đình”, “Nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc gia đình”; “Kỹ năng ứng xử trong gia đình”; Nuôi dạy con thời hiện đại; Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức lối sống gia đình”, “Làm sao để hạnh phúc”, “Xây dựng tình yêu bền vững để tiến đến hôn nhân bền vững”, “Điểm tựa cho hôn nhân bền vững” …. Tổ chức tọa đàm, diễn đàn về “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực gia đình”, “Lắng nghe tiếng nói trẻ em”, “Sống có trách nhiệm trong giới trẻ hiện nay và vai trò của gia đình”, “Giữ lửa hạnh phúc”; “Giải pháp kéo giảm tỷ lệ ly hôn trong các gia đình trẻ hiện nay”.
Phần cuối của báo cáo chỉ ra một số bài học kinh nghiệm trong qua trình triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trong đó nhấn mạnh sự chủ động triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung của Bộ tiêu chí theo từng thời điểm đảm bảo phù hợp của từng địa phương; tăng cường phối hợp, lồng ghép hoạt động của các ngành tại địa phương. Nội dung truyền thông phong phú, xuất phát từ những vấn đề người dân quan tâm, đề xuất và cùng nhau chia sẻ vấn đề hướng đến bảo vệ, xây dựng gia đình hạnh phúc trước những thách thức của xã hội hiện đại.
Từ kết quả đánh giá của các hộ gia đình đăng ký tham gia thí điểm triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Nghệ An đề xuất tiếp tục triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vì ý nghĩa và vai trò của gia đình, cũng như ứng xử của các thành viên trong gia đình chính là nền tảng để tạo nên hạnh phúc gia đình. Qua kết quả 03 năm thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhận thấy những nội dung của Bộ tiêu chí là quan trọng và cần thiết triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay, nhằm đưa các chuẩn mực truyền thống, giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam vào đời sống gia đình hiện đại. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, vai trò, vị trí của mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình.