Ngày 25 tháng 10 năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản số 1744/VHTTDL-XDNSVHGĐ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tham gia góp ý các dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cơ bản thống nhất với các dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021.
Tuy nhiên, để hoàn thiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng có ý kiến đóng góp cụ thể cho từng văn bản như sau:
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Tại trang 2, mục 3, phần I đề nghị bỏ cụm từ “tầm nhìn đến năm 2045” để thống nhất trong toàn văn bản. Tại trang 3, chỉ tiêu 5 đề nghị chỉnh sửa lại như sau: “Hằng năm, trung bình giảm 5-10% hộ gia đình có bạo lực” vì một số địa phương tình trạng bạo lực gia đình được kiểm soát tốt, biên độ dao động về số vụ hàng năm không biến động nhiều, do đó trong giai đoạn 2021-2030 giảm 10% sẽ khó đạt. Tại trang 4, nội dung a, mục 1, phần VII đề nghị chỉnh sửa lại như sau: “Tổ chức triển khai Chiến lược trên phạm vi cả nước. Chủ trì hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu 1, 2, 5, 6, 7 và phối hợp hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 3, 4 của Chiến lược” vì chỉ tiêu 4 có sự phối hợp thực hiện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề nghị bổ sung nội dung Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện chỉ tiêu 3, cùng với sự phối hợp của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Tại trang 4, đề nghị xem lại và điều chỉnh chỉ tiêu 13 vì đối với một số tỉnh, thành phía Nam, điều kiện thành lập địa chỉ tin cậy rất khó do đa phần các địa phương đều chọn nhà văn hóa ấp (thôn) làm địa chỉ tin cậy nhưng nơi này đa phần nhỏ hẹp, vẫn chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL, mở và đóng cửa theo giờ hành chính, chưa có đủ các công trình phụ, sẽ không đảm bảo điều kiện bảo vệ nạn nhân khi đến tạm lánh. Mặt khác, đa phần nạn nhân không có nhu cầu đến địa chỉ tin cậy để tạm lánh. Do đó đề nghị chỉ tiêu này nên mở, tùy tình hình mỗi địa phương (ấp, khóm, thôn bản,…) có ít nhất một mô hình phòng, chống bạo lực gia đình thích hợp, phát huy được hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của bộ, ngành, đoàn thể thực hiện chỉ tiêu 11 tại trang 4 trong phần tổ chức thực hiện.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030: Tại trang 3, mục 4, phần III đề nghị chỉnh sửa lại như sau: “Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa gia đình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vì phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là những nội dung thuộc phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tại trang 8, điểm e, khoản 14, Điều 2 đề nghị bổ sung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện thêm chỉ tiêu 7 vì đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đa phần là đoàn viên công đoàn thuộc hệ thống quản lý của liên đoàn nên chỉ tiêu này Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, chỉ đạo thực hiện là hợp lý, khả thi nhất. Khoản 14, Điều 2 đề nghị bổ sung thêm Hội Nông dân vì trong chỉ tiêu 8 nêu các đoàn thể trong đó có Hội Nông dân thực hiện sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sông trong gia đình nhưng trong Điều 2 phần tổ chức thực hiện không có Hội Nông dân.
Đối với dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới: Tại trang 2, nội dung c, mục 1, phần I đề nghị bỏ cụm từ “và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ” vì như thế đã đầy đủ ý, đảm bảo kết cấu câu. Tại trang 2, nội dung d, mục 1, phần I đề nghị chỉnh sửa cụm từ “góp phần xây dựng đất nước hạnh phúc” thành “góp phần xây dựng đất nước phồn vinh”. Tại trang 3, đoạn thứ nhất của nội dung a, mục 2, phần III đề nghị bỏ cụm từ “tầm nhìn đến năm 2045” vì dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn tiếp theo chỉ nêu đến năm 2030. Tại trang 4, đoạn thứ ba của nội dung a, mục 2, phần III đề nghị chỉnh sửa lại như sau: “Xây dựng tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác gia đình các cấp, đội ngũ cộng tác viên dân số – gia đình và trẻ em ở cơ sở”. Tại trang 4, 5, nội dung a, b, mục 4, phần III đề nghị chỉ sử dụng cụm từ “gia đình văn hóa” thay các cụm từ “gia đình văn hóa, hạnh phúc”, “gia đình văn minh, hạnh phúc” vì đối với danh hiệu gia đình văn minh, hạnh phúc vẫn chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí quy định.