Các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng giới. Điều quan trọng là phụ nữ được miêu tả tích cực trên truyền thông và các cô gái trẻ có thể thấy mình là những tác nhân thay đổi mạnh mẽ, thay vì những người ngoài cuộc thụ động. Quan trọng hơn là các nam thanh niên có thể nhìn nhìn nhận nữ giới là đối tác bình đẳng và có khả năng lãnh đạo.
Và xưa nay, những quan niệm tồn tại lâu nay trong xã hội như là con gái phải dịu dàng, phải biết răm rắp, nghe lời; con trai thì mạnh mẽ, dũng cảm và có tiếng nói quyết định đã trở thành khuôn mẫu về giới đối với rất nhiều người và thay đổi những định kiến này hoàn toàn không dễ dàng.
Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở tất cả các lĩnh vực và các vùng miền ở Việt Nam. Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là do nhận thức và năng lực hành động về giới và bình đẳng giới còn hạn chế, như: Định kiến giới còn khá nặng nề; Thiếu hiểu biết về bản chất mang tính hệ thống của sự phân biệt đối xử, cấu trúc quyền lực và chế độ gia trưởng; Thiếu kiến thức và kỹ năng để xóa bỏ bất bình đẳng giới…
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới. Tuy nhiên, định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề?
Việt Nam đã có một số tiến bộ nhất định về bình đẳng giới trong bộ máy lãnh đạo các cấp hay tỷ lệ trẻ em gái đến trường cao hơn so với trước đây, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động và làm chủ các doanh nghiệp cũng tăng.
Tuy nhiên, định kiến giới vẫn tồn tại. Quá trình nghiên cứu cho thấy, định kiến giới vẫn tồn tại trong sách giáo khoa, trên các phương tiện truyền thông và báo chí, cũng như trong xã hội, kể cả trong người trẻ. Bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn xảy ra ở cả tại gia đình, trên phương tiện giao thông công cộng và các không gian chung khác. Trong khi đó, các hình thức xử phạt chưa tương xứng với tính nghiêm trọng của vấn đề.
Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất 1 hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Con số này cho thấy, bạo lực gia đình đối với phụ nữ vẫn còn hiện hữu và cần nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác truyền thông và hỗ trợ nạn nhân, cũng như người gây bạo lực.
Thực tế, tỷ lệ phụ nữ chịu bạo lực gia đình không hề giảm sau 10 năm, thậm chí cao hơn so với đánh giá trước đây. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy phụ nữ đã hiểu biết nhiều hơn về các hành vi bạo lực và chia sẻ về tình trạng bạo lực của mình, kể cả bạo lực tình dục.
Đặc biệt, truyền thông đã ít nhiều đóng góp vào sự thay đổi này.
Vậy truyền thông nhằm xóa bỏ định kiến giới cần lưu ý những vấn đề gì?
Thứ nhất, thông điệp sai lầm từ các khuôn mẫu giới
Nam giới chiếm ưu thế trên các câu chuyện tin tức và sản phẩm. Phụ nữ thường góp mặt rất ít trên các phương tiện truyền thông, điều đó ngụ ý rằng nam giới mới là tiêu chuẩn, còn vai trò phụ nữ là không quan trọng hoặc không có.
Ngoài ra, nam giới và phụ nữ thường được truyền thông miêu tả theo các khuôn mẫu trong vai trò truyền thống, góp phần phản ánh và duy trì quan điểm về giới đã được xã hội công nhận, cũng như bình thường hóa tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ khi những thông điệp này được tiếp nhận một cách vô thức bởi các trẻ em gái và trẻ em trai đang ở giai đoạn học hỏi về vai trò giới, các em sẽ có cái nhìn méo mó về phụ nữ và trẻ em gái. Việc tiếp xúc liên tục với các loại thông điệp như vậy sẽ làm cho công chúng miễn nhiễm với sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới.
Với 74% tổng dân số ASEAN hiện nay có thể truy cập internet thông qua điện thoại di động, nhu cầu cấp thiết là nâng cao kỹ năng phân tích và đánh giá thông điệp truyền thông cho người dùng và nhà sản xuất phương tiện truyền thông, nhằm loại bỏ những cách nhìn nhận phiến diện và định kiến về phụ nữ và trẻ em gái. Sự mô tả của truyền thông về quan hệ giữa nam giới và nữ giới nhấn mạnh vai trò truyền thống và bình thường hóa bạo lực đối với phụ nữ. Cũng thông qua các phương tiện truyền thông, định kiến, khuôn mẫu, nhận thức về giới sẽ là thách thức và phải thay đổi.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại bất bình đẳng trong các cơ quan truyền thông. Hiện chỉ có khoảng 1 trong 4 người mà mọi người nghe hoặc đọc thấy trên tin tức là phụ nữ. Chỉ có 9% các câu chuyện là khơi gợi lên các vấn đề về bất bình đẳng giới. Chỉ có 4% các câu chuyện là thách thức khuôn mẫu giới.
Thứ hai, đưa tin bài nhạy cảm giới
Sức mạnh của các phương tiện truyền thông là “điểm vào” để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực với phụ nữ về lâu dài. Phương tiện truyền thông có thể củng cố các chuẩn mực xã hội góp phần tạo nên sự phân biệt đối xử về giới và bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; có thể làm sáng rõ các vấn đề xã hội như bạo lực với phụ nữ. Do đó, để đưa tin bài có nhạy cảm giới, cần tránh không sử dụng những chi tiết mô tả về phụ nữ bao gồm: tình trạng thể chất, hôn nhân, gia đình, trừ khi điều đó là thiết yếu đối với câu chuyện. Đảm bảo tôn trọng sự cân bằng giới trong lựa chọn chuyên gia hoặc nhân chứng. Ngoài ra, cần đảm bảo cung cấp chức danh, tên và giọng nói của người phụ nữ chứ không phải chung chung là “vợ ông M.” nào đó. Đưa tin, bài nhạy cảm giới có nghĩa là đảm bảo rằng việc liên lạc phỏng vấn truyền thông đáp ứng nhu cầu của nạn nhân. Mặt khác, cần đối xử với nạn nhân với sự tôn trọng theo cách bảo vệ quyền về nhân phẩm của nạn nhân; huy trì sự an toàn và bảo mật…
Các phóng viên và cán bộ truyền thông với những sản phẩm báo chí, truyền thông đã và đang có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, thiếu nhận thức và năng lực về vấn đề giới và bình đẳng giới nêu trên là một hạn chế với các đối tượng này. Ngoài ra, họ cũng chưa có hiểu biết sâu sắc về các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế liên quan, khung pháp lý về quyền con người/quyền phụ nữ, cũng như bối cảnh bình đẳng giới của Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, nhiều sản phẩm báo chí của họ đã và đang củng cố định kiến về giới và góp phần duy trì tình trạng bất bình đẳng giới.
Thứ ba, truyền thông có nhạy cảm giới
Thực hiện các chương trình tập huấn về truyền thông có nhạy cảm giới không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị đào tạo, hay cơ quan chuyên môn. Thực tế, nhiều tổ chức phát triển cộng đồng trong nước và quốc tế đã và đang nỗ lực chung tay thúc đẩy vai trò và năng lực của các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông về vấn để này.
Chỉ khi các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông hiểu sâu và nhận thức rõ về tầm quan trọng các vấn đề nhạy cảm giới, xóa bỏ định kiến giới thì vấn đề truyền thông xóa bỏ định kiến giới mới thực sự đạt hiệu quả cao.