Thực hiện Quyết định số 1873/QĐ-BVHTTDL ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành Kế hoạch tổng kết thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng báo cáo tổng kết thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019 – 2020
Sau hơn 02 năm triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại địa bàn thí điểm đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng về công tác gia đình. Ở các địa phương thực hiện thí điểm, việc lồng ghép nội dung bộ tiêu chí với các hoạt động mô hình, câu lạc bộ hoặc sinh hoạt đoàn thể, được thực hiện đều đặn, xuyên suốt, như: Câu lạc bộ, nhóm Phòng chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững… Đặc biệt, nhiều gia đình tham gia đăng ký thi đua thực hiện bộ tiêu chí trở thành điển hình, gương mẫu trong văn hóa ứng xử, được cộng đồng đánh giá cao… Các hoạt động tuyên truyền đã được cụ thể hóa với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây của xã, tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, phướn, tổ chức sinh hoạt tọa đàm, nói chuyện truyền thông, cấp phát tài liệu, tờ gấp… đảm bảo tiêu chí ứng xử được tuyên truyền tới từng hộ gia đình tại địa bàn thí điểm, đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, nhận thức và hành vi của mỗi người, mỗi gia đình tại địa bàn thí điểm dần thay đổi theo chiều hướng tích cực, từng bước giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Để triển khai có hiệu quả việc thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 08 văn bản chỉ đạo thực hiện thí điểm “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong hơn 2 năm thực hiện. Dựa trên các văn bản chỉ đạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể với nội dung trọng tâm là công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các thành viên trong gia đình hiểu và đăng ký thực hiện các tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình góp phần xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình như: Tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, phường; Tổ chức sinh hoạt chuyên đề; Tuyên truyền trực quan.
Đánh giá chung, sau 3 năm thí điểm triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo kịp thời. Trong đó chú trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; tập trung tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình; thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, với các nội dung sinh hoạt theo chủ đề: ứng xử chung trong gia đình; ứng xử vợ, chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em ruột trong gia đình. Kết quả, nhân dân trên địa bàn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí đã cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Việc triển khai đưa Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình vào thực hiện là hết sức cần thiết, bởi Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi con người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại mà báo cáo chỉ ra như sau:
Nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ Tiêu chí đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí.
Một bộ phận thành viên đăng ký, thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình còn mang tính hình thức, đặc biệt là thế hệ trẻ (thanh, thiếu niên); số lượng thành viên đến tham gia trong các buổi sinh hoạt chuyên đề chưa thực sự đảm bảo yêu cầu về số lượng.
Nguồn lực cho việc thực hiện Bộ Tiêu chí còn hạn chế, đặc biệt là đối với các địa phương không thuộc địa bàn được chọn triển khai điểm, mới chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch thực hiện và lồng ghép triển khai tuyên truyền Bộ tiêu chí với thực hiện nhiệm vụ chung của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Để giải quyết hạn chế, tồn tại nêu trên, báo cáo đã đề ra một số giải pháp cơ bản cho địa phương và Trung ương.
Thứ nhất, đẩy mạnh, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn tiếp tục lồng ghép các nội dung Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình vào chương trình, kế hoạch thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình để tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ hai. tiếp tục duy trì các mô hình điểm bằng việc tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; cung cấp kịp thời nội dung sinh hoạt chuyên đề, đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư vận động nhân dân tham gia Bộ tiêu chí khi được nhân rộng.
Thứ ba, tiếp tục cung cấp nội dung Bộ tiêu chí nói riêng và kiến thức cơ bản về gia đình; các kỹ năng về truyền thông, vận động, tổ chức sinh hoạt mô hình, câu lạc bộ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp nói chung thông qua các lớp tập huấn của Ngành trong thời gian tới.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai thí điểm Bộ tiêu chí.
Với tư cách là một trong 12 tỉnh được chọn thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, báo cáo của Lâm Đồng cũng đề ra một số giải pháp đối với các cơ quan ban ngành liên quan, trong đó đáng chú ý là: Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Bộ Tiêu chí. Nghiên cứu triển khai Bộ tiêu chí trong thời gian tới theo hướng thay thế việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề bằng việc biên tập các nội dung Bộ tiêu chí một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình triển khai thí điểm; đồng thời có giải pháp triển khai nhân rộng Bộ tiêu chí trên phạm vi cả nước trong thời gian đến; Tăng cường tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức cơ bản về gia đình và các kỹ năng về truyền thông, vận động, tổ chức sinh hoạt mô hình, câu lạc bộ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp; Tăng cường ngân sách, đơn giản hóa các thủ tục thanh quyết toán cho việc thực hiện Bộ Tiêu chí.