Ngày 08 tháng 11 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 4002/KH-UBND về việc triển khai công tác gia đình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Mục đích nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình trong tình hình mới. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Từng bước giảm dần số vụ ly hôn, ly thân, tảo hôn, xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục kiến thức về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phát huy có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.
Theo đó, Mục tiêu tổng quát: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Mục tiêu cụ thể: 100% công chức, viên chức và người lao động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở được tập huấn công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đến năm 2025 đạt 70% trở lên hộ gia đình được cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em, đảm bảo quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; mỗi năm 01 lần các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức tập huấn và hướng dẫn nội dung sinh hoạt. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% hộ gia đình được cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về gia đình; phúc lợi, dịch vụ xã hội hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo, gia đình cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% trở lên hộ gia đình thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Mỗi năm giảm 10% số vụ bạo lực gia đình.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác gia đình giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác xây dựng gia đình, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu và thông tin về công tác gia đình. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; kiến thức, kỹ năng đối diện và phòng ngừa rủi ro và những ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Gắn kết vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường gia đình để con người phát triển toàn diện. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình an sinh xã hội, tăng cường hỗ trợ gia đình thực hiện các chức năng của gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em; chăm sóc người khuyết tật; phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình; chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ gia đình nghèo, khó khăn; đảm bảo gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng công bằng, thuận lợi. Triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, tiêu chí về gia đình, gắn với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh được xác định tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện: Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Thường xuyên rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về công tác gia đình phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo toàn diện, bền vững, vừa có sự thống nhất chung vừa có yếu tố đặc thù của địa phương. Đổi mới, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác gia đình. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển các mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững; Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình và tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình, bình đẳng giới trong gia đình cho cán bộ, công chức làm công tác gia đình các cấp. Thực hiện việc thu thập báo cáo dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu việc triển khai các hoạt động công tác gia đình với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị, gắn nhiệm vụ công tác gia đình với các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.