Khoản 1 Điều 4 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với Hôn nhân và gia đình: “Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình…”.
Để thực hiện trách nhiệm đó, Quốc hội và Chính phủ cần rà soát hệ thống luật pháp về gia đình, sửa đổi những quy định đã lạc hậu, bổ sung những quy định mới để điều chỉnh các vấn đề, các mối quan hệ phát sinh liên quan tới gia đình để bảo đảm có đủ hành lang pháp lý để điều chỉnh, định hướng phát triển gia đình và tăng cường giáo dục gia đình. Quan tâm cân đối nguồn lực để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế nghiên cứu khoa học và thực tiễn trong hoạch định, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình. Dựa trên những thay đổi về loại hình gia đình để hoạch định, xây dựng chính sách cho gia đình bảo đảm phù hợp, khả thi. Đồng thời đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chính sách liên quan đến gia đình; rà soát, điều chỉnh những chính sách không hiệu quả, thay thế những chính sách không khả thi, xây dựng mới những chính sách đặc thù phù hợp với gia đình Việt Nam trong tình hình mới.
Đặc biệt, các chính sách kinh tế – xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình. Gắn việc thực hiện chính sách về gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ở vùng nông thôn, cần quan tâm chính sách xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp để tạo điều kiện cho người lao động có việc làm tại chỗ, thu nhập ổn định, trên tinh thần “ly nông bất ly hương”. Ở các khu công nghiệp, cần có chính sách cung cấp dịch vụ gia đình (đặc biệt là hệ thống nhà trẻ, trường/lớp mầm non, phổ thông) để tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ. Điều này rất có ý nghĩa đối với người lao động, nhất là lao động nữ.