Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) đã nêu lên việc “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Báo cáo chính trị của BCH T.Ư tại Ðại hội lần thứ XII của Ðảng (2016) cũng khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Ðúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016:126). Gần đây nhất, trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ XIII vừa qua (2021), có nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021:143).
Vấn đề đặt ra là nếu như trong lịch sử, sự gia nhập của các giá trị ngoại sinh thường được thông qua nhiều “bộ lọc” nên bảo đảm chuẩn mực, phù hợp hệ giá trị văn hóa Việt Nam, giá trị gia đình Việt Nam thì ngày nay, trong bối cảnh của xu thế toàn cầu hóa, khi thế giới đã trở thành “thế giới phẳng”, sự tiếp thu văn hóa trực tiếp từ mỗi người dân nên chắc chắn không tránh khỏi việc lựa chọn giá trị một cách thiếu chọn lọc và thiếu kiểm soát. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan chức năng cần xây dựng và đưa ra được một bộ tiêu chuẩn về hệ giá trị gia đình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đây chính là bộ lọc cần thiết để bảo vệ gia đình Việt Nam trong quá trình tiếp nhận văn hóa và các giá trị gia đình từ ngoài vào. Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng gia đình bền vững, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.