Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi các hình thức bạo hành, xâm hại và bóc lột. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và mọi công dân và xã hội trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khỏi bị xâm hại, bóc lột và sao nhãng, bao gồm cả việc loại bỏ những nguy cơ gây tổn hại và ngăn chặn các yếu tố đang gây tổn hại cho trẻ. Bảo vệ trẻ em còn hướng tới việc can thiệp khẩn cấp và giúp đỡ trực tiếp các đối tượng trẻ em đang có nguy cơ hoặc đã bị xâm hại, bóc lột và sao nhãng nhằm ngăn chặn, giúp phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em.
Pháp luật về bảo vệ trẻ em bao gồm các quy định về bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bị phân biệt đối xử; bị bóc lột, lạm dụng về thể xác và tinh thần, bị sao nhãng, lơ là hoặc bị bỏ rơi; các quy định về bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt như mất môi trường gia đình, trong hoàn cảnh chiến tranh hoặc thiên tai; các quy định về điều kiện chăm sóc đầy đủ hoặc phục hồi cho trẻ em trong những trường hợp cần thiết; các quy định về chính sách, hình thức và biện pháp trợ giúp trẻ em, tạo cho các em được hưởng các quyền cơ bản, có cơ hội để phát triển toàn diện bản thân…
Ở Việt Nam, Nhà nước đã quy định và thực thi nhiều biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em. Pháp luật của nước ta liên tục được điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến trẻ em, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và từng bước hội nhập với luật pháp quốc tế.
Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc xử lý các hành vi vi phạm đối với trẻ em được quy định trong pháp luật hình sự. Ở Việt Nam, việc xử lý còn bằng chế tài hành chính. Pháp luật về trẻ em quy định về các biện pháp phúc lợi xã hội (phòng ngừa và đáp ứng nhu cầu) cần có dành cho trẻ em và gia đình của trẻ em.
Công tác phòng ngừa như tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện quyền trẻ em, giảm nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội, tăng cường tiếp cận y tế, giáo dục, vui chơi giải trí và bảo vệ trẻ em được thực hiện thông qua các chương trình, dự án riêng hoặc được lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của các cấp, các ngành. Tháng hành động vì trẻ em, Tết trung thu cho trẻ em và xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được duy trì hàng năm, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Công tác phát hiện, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm trước những tác động tiêu cực đến trẻ em trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều chính sách và chương trình đã hỗ trợ cho những gia đình nghèo và trẻ em dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, nhiều nội dung của pháp luật về bảo vệ trẻ em được đưa ra chủ yếu còn mang tính nguyên tắc, định khung, thiếu tính cụ thể, dẫn đến khó thực hiện; thiếu các quy định về biện pháp thúc đẩy nhằm thực hiện các quyền của trẻ em; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc cá nhân có hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến hiệu lực thi hành luật chưa cao; còn có những khoảng trống nhất định so với Công ước của Liên hợp quốc. Cần có những hoạt động thực hiện mang tính thiết thực hơn trong quá trình hiện thực hóa các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em hiện nay.