Ngày 21 tháng 10 năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 1435/SVHTTDL-QLGĐ&NSVH về việc góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất với bố cục nội dung các văn bản dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021. Tuy nhiên để hoàn thiện, Sở VHTTDL có một số góp ý, chỉnh sửa, bổ sung như sau:
Cụ thể, đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Tại điểm 3, Mục I, Điều 1, để thống nhất với tiêu đề “Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030” nên chỉnh sửa là “Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 phải bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình; …”. Tại Chỉ tiêu 6, mục 3, Phần III – Mục tiêu và các chỉ tiêu của chiến lược, nên cụ thể hóa cụm từ “hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Tại Chỉ tiêu 14, điểm 2.4, mục 2, phần III- Mục tiêu của chương trình, trong dự thảo có nêu “Đến năm 2025, mỗi thôn, tổ dân phố thành lập và duy trì hoạt động ít nhất 01 tổ tư vấn về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập”; Tuy nhiên hiện nay, theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch thì UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay các mô hình này vẫn duy trì hoạt động nhằm hỗ trợ, can thiệp, tư vấn, hòa giải các vụ bạo lực gia đình tại cơ sở, có nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả. Do vậy, đề nghị không thành lập mới “tổ tư vấn về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng”, nên tập trung duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã xây dựng từ trước đó.
Tại điểm e, mục 4, phần IV – Phần nhiệm vụ và giải pháp trong dự thảo nêu “Xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình Nhóm gia đình đồng hành cùng trẻ em để thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em trong gia đình; giảm thiểu vụ việc bạo lực gia đình đối với trẻ em”; Tuy nhiên, không nên thành lập mới mô hình này, mà nên duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã có trước đó. Lí do: Thứ nhất: các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay có nhiệm vụ can thiệp, tư vấn, hòa giải, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình (trong đó có bạo lực xâm hại trẻ em), nhằm bảo vệ, quyền, lợi ích của mọi thành viên trong gia đình, trong đó có trẻ em. Thứ hai: Nếu thành lập mới nhiều mô hình sẽ gây nên sự chồng chéo, khó khăn cho việc quản lý tại cơ sở, không thực thi, hiệu quả.
Về dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối
sống trong gia đình đến năm 2030. Tại Điều 2 – Tổ chức thực hiện Chương trình, trong dự thảo nêu “Thực hiện chỉ tiêu 1,2, 3 và hoạt động 1, 2, 5, 6, 7, 8”, nên bổ sung thêm hoạt động 3 – “Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, cách ứng xử trong gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý nhà nước về gia đình. Tại mục 7, Phần IV – Các hoạt động chính, nên cân nhắc trong việc xây dựng các mô hình “người mẹ mẫu mực” dành cho trẻ em gái và mô hình “gia đình tôi yêu” dành cho nam, nữ đã thành niên” để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả.