Ngày 20 tháng 10 năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 4127/SVHTTDL-XDNSVHGĐ về việc góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa thống nhất với bố cục nội dung các văn bản dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021. Tuy nhiên để hoàn thiện, Sở VHTTDL bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung sau:
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Về tên gọi, đề nghị bổ sung cụm từ “tầm nhìn đến năm 2045”. Viết lại là “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tại trang 2, phần mục tiêu, đề nghị thêm dấu hai chấm “:” sau các cụm từ “Mục tiêu 1; Mục tiêu 2; Mục tiêu 3”. Chỉ tiêu 5 (trang 3), đề nghị nâng tỷ lệ hàng năm, trung bình giảm từ 10% đến 15% hộ gia đình có bạo lực vì theo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/5/2012 chỉ tiêu hàng năm trung bình giảm từ 10 – 15% hộ gia đình có bạo lực gia đình. Viết lại là: “Hàng năm trung bình giảm 10% đến 15% hộ gia đình có bạo lực”. Đề nghị bổ sung thêm Chỉ tiêu 8: Hằng năm, trung bình giảm 15% hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội. Đề nghị nghiên cứu lại các chỉ tiêu đến năm 2030: đạt 90% trở lên là chưa hợp lý, đề nghị sửa lại chỉ tiêu là “100%” do các chỉ tiêu này chủ yếu liên quan đến công tác tuyên truyền. Tại mục IV. Các giải pháp thực hiện chiến lược (trang 3), bổ sung thêm giải pháp thực hiện có hiệu quả mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 – 2025 và Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo. Tại mục V. Các chương trình, đề án thực hiện nhiệm vụ (ý 1-trang 4) đề nghị nghiên cứu, bổ sung cụm từ “đến năm 2030” vào cuối câu và sửa thành “1. Chương trình giáo dục Quốc gia về gia đình đến năm 2030”. Tại mục 13 (trang 6). Ủy ban Dân tộc. Đề nghị bổ sung: Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mục 16 (trang 7). UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tại Điểm b) Củng cố kiện toàn tổ chức…, đặc biệt gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em, đề nghị sửa thành “Củng cố kiện toàn tổ chức…, đặc biệt gắn kết chặt chẽ hoạt động của ba lĩnh vực: Dân số (Ngành y tế), Gia đình (Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Trẻ em (Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội); Nội dung c (trang 7) chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện, xã…, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình”, đề nghị sửa thành “Chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện, xã… tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, chú trọng tuyên truyền tại các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người”. Tại Điểm d) Phần 16, Mục VI. Đề nghị bổ sung: Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chiến lược; tổ chức sơ kết vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030 tại địa phương; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Chỉ tiêu 2, đề nghị tách thành 2 chỉ tiêu riêng biệt, vì hàng năm kinh phí tập huấn không đủ để tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các thành viên của mô hình, tổ tư vấn, tổ hòa giải, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở nên để chung thì chỉ tiêu này sẽ không thực hiện được. Chỉ tiêu 3, đề nghị sửa thành “Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục duy trì chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình trên Đài truyền hình, các cơ quang báo chí Trung ương và địa phương”. Tại Chỉ tiêu 8, đề nghị bỏ vì người vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ khi được phát hiện đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tại Chỉ tiêu 11, đề nghị sửa lại tỷ lệ “hằng năm duy trì đạt ít nhất từ 70% người có tiền sử nghiện rượu, bia….”, vì mốc đến năm 2025 là đạt 70%. Tại mục 3. Xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình (trang 5). Bổ sung thêm d) Đẩy mạng hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ gây bạo lực gia đình chưa có việc làm.
Tại mục VI. Tổ chức thực hiện, đề nghị bổ sung: Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Tham gia thực hiện chương trình trong phạm vi thực hiện của tổ chức Đoàn; Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình, đề án thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng khác: Nâng cao chất lượng và tăng cường thời lượng các tin, bài, chuyên đề cho các kênh, chương trình có nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình. Biểu dương tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối
sống trong gia đình đến năm 2030: Về thể thức: Đề nghị bổ sung dấu “:” sau QUYẾT ĐỊNH; in đậm các mục có ký hiệu số La mã. Tại mục 4 (trang 1), đề nghị bổ sung cụm từ “bình đẳng” vào sau cụm từ “xây dựng gia đình”; chỉnh sửa cụm từ “no ấm” thành “ấm no”. Viết lại thành “Đẩy mạnh xã hội hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội để mọi thành viên trong gia đình được tiếp cận nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.
Tại mục II. Mục tiêu (trang 2), đề nghị điều chỉnh mục tiêu thể hiện rõ: mục tiêu chung và chỉ tiêu cụ thể. Nghiên cứu điều chỉnh: Chỉ tiêu thứ năm đề nghị điều chỉnh thành “Đến năm 2025 có ít nhất 90% và đến năm 2030 có ít nhất 95% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Chỉ tiêu thứ 6, đề nghị điều chỉnh thành “Đến năm 2025 có ít nhất 90% và đến năm 2030 có ít nhất 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Chỉ tiêu thứ 7, đề nghị điều chỉnh thành “Đến năm 2025 có ít nhất 90% và đến năm 2030 có ít nhất 95% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Tại Mục 4 (trang 3), đề nghị bổ sung thêm cụm từ “phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá cở sở”. Viết lại là “Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hoá gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá cơ sở.
Đối với dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới: Về bố cục, đề nghị sắp xếp lại theo trình tự, nhóm các nhiệm vụ vào thành một mục. Phần Tổ chức thực hiện cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể thực hiện kế hoạch. Tại mục 1. Mục đích (ý a – trang 2): Đề nghị nghiên cứu bỏ cụm từ “mục tiêu”, vì trong Chỉ thị số 06-CT/TW chỉ nêu thực hiện nhiệm vụ và giải pháp. Tại mục 3 (trang 4) hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành về công tác xây dựng gia đình, đề nghị sửa thành “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành về công tác gia đình”.
Tại 04 dự thảo văn bản đề nghị bổ sung thêm phần Kinh phí thực hiện như sau: Hằng năm Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thí điểm triển khai thực hiện.