Ngày 11 tháng 10 năm 2021, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 8113-CV/TWĐTN-BTG gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Báo cáo và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Theo đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thống nhất với các nội dung của dự thảo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tuy nhiên, để hoàn thiện, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có một số góp ý, cụ thể:
Đối với báo cáo tổng kết tình hình thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Tại trang 5, đề nghị nêu rõ số lượng 6897 hộ thực hiện đánh giá Bộ tiêu chí chiếm tỷ lệ bao nhiêu % tổng số hộ được khảo sát. Trong báo cáo có nêu 95% thành viên đại diện các hộ gia đình đánh giá cao nội dung Bộ Tiêu chí và khẳng định “Cần thiết” thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đề nghị bổ sung đánh giá của 5% đại diện các hộ gia đình còn lại đối với việc thực hiện Bộ Tiêu chí. Trong mục “Tồn tại, hạn chế”, dự thảo Báo cáo có nêu “Đối với một bộ phận nhân dân, việc đăng ký, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đôi khi còn mang tính hình thức, đặc biệt là thế hệ trẻ (thanh, thiếu niên). Vì vậy, trong mục phương hướng, bên cạnh giải pháp phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban Dân tộc… cần bổ sung giải pháp phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong triển khai các hoạt động xây dựng gia đình trẻ ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là nội dung đã được xác lập trong dự thảo Chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với dự thảo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Tại điểm b, mục II.1 về tiêu chí ứng xử chung trong gia đình, đề nghị nghiên cứu bổ sung tiêu chí “Cùng chia sẻ trách nhiệm với công việc của gia đình (việc nhà, nuôi dạy con cái, tài chính của gia đình). Đồng thời đề nghị bổ sung tiêu chí “Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung” để làm rõ hơn sự bình đẳng, thống nhất đối với việc ra quyết định trong gia đình.
Tại điểm b, mục II.2 về nội dung tiêu chí ứng xử cụ thể của vợ chồng, đề nghị sửa cụm từ “Vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi” thành “Vợ chồng chung sống chung thủy” để gọn và rõ nghĩa hơn. Đồng thời, tại tiêu chí “Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung”, đề nghị bổ sung thành “Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung” để làm rõ hơn sự bình đẳng, thống nhất đối với việc ra quyết định trong gia đình.
Tại điểm b, mục II.3 (hiện đang đánh số thứ tự sai là mục 2) về nội dung tiêu chí ứng xử cụ thể của cha mẹ với con, ông bà với cháu, tiêu chí “giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong” đề nghị bổ sung và điều chỉnh thành “giáo dục con cháu về đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong” vì một trong những chức năng quan trọng của gia đình là giáo dục, hình thành nhân cách và phát triển con người toàn diện, vì vậy, cần chú ý giáo dục cả về đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức chấp hành pháp luật… chứ không đơn thuần là gìn giữ lối sống, nền nếp riêng của mỗi gia đình.
Tại điểm b, mục II.4 (hiện đang đánh số thứ tự sai là mục 3) về nội dung tiêu chí ứng xử cụ thể của con với cha mẹ, cháu với ông bà, đề nghị bổ sung tiêu chí “Giúp đỡ cha mẹ, ông bà trong những công việc chung của gia đình”; đồng thời đề nghị bỏ cụm từ “khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu” trong tiêu chí “Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu” vì đây là trách nhiệm chung của con cháu, và phải thực hiện thường xuyên.
Tại điểm a, mục II.5 (hiện đang đánh số thứ tự sai là mục 4), đề nghị bổ sung đối tượng anh chị em họ (con bác, cô, chú, cậu dì ruột) sống chung gia đình để đảm bảo tính bao quát, vì thực tế hiện nay nhiều gia đình đa thế hệ sống chung một nhà. Tại điểm b của mục này, đề nghị bổ sung tiêu chí “Giúp đỡ và chia sẻ trong những công việc chung của gia đình”.
Tại điểm h, mục V.3 về trách nhiệm của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung “Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tổ chức các hoạt động chăm lo xây dựng gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức tiền hôn nhân; gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình các dân tộc Việt Nam; chăm lo xây dựng gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Định kỳ hằng năm tổ chức tuyên dương Gia đình trẻ Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.