Ngày 20 tháng 10 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có Văn bản số 2846/UBND-VX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng thống nhất nội dung dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021.
Tuy nhiên, để hoàn thiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng có ý kiến góp ý đối với dự thảo như sau:
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đến năm 2030: Tại phần III (NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP), đề xuất bổ sung 01 giải pháp cụ thể: “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tộc người đến cán bộ, hội viên và đoàn viên, thanh niên” nhằm thể hiện rõ hơn các giải pháp thực hiện mục tiêu số 8 của phần II (MỤC TIÊU) cũng như làm rõ trách nhiệm được nêu của các đơn vị tại mục 2 (Tổ chức thực hiện). Tại phần II (MỤC TIÊU), đề nghị xem xét, sửa đổi nội dung: Chỉ tiêu 2 “Đến năm 2025 có ít nhất 80% và đến năm 2030 có ít nhất 95% hộ gia đình được tuyên truyền, hướng dẫn và đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình” thành “Đến năm 2025 có ít nhất 80% và đến năm 2030 có ít nhất 90% hộ gia đình được tuyên truyền, hướng dẫn và đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Chỉ tiêu 4. “Hằng năm đạt 100% đơn vị cấp xã mỗi tháng có ít nhất 03 tin, bài về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở” thành “Hằng năm đạt 100% đơn vị cấp xã mỗi tháng có ít nhất 01 tin, bài về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở”. Chỉ tiêu 7 “Đến năm 2025 có ít nhất 80% và đến năm 2030 có ít nhất 95% cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang; cán bộ công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” thành “Đến năm 2025 có ít nhất 80% và đến năm 2030 có ít nhất 90% trở lên cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang; cán bộ công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Tại phần VI (TỔ CHỨC THỰC HIỆN), đề xuất bổ sung thêm: “18. Đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về những vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về phòng, chống bạo lực gia đình nhất là phòng ngừa bạo lực gia đình trên cơ sở giới bằng các hình thức phù hợp với nhu cầu tiếp cận của đoàn viên, thanh thiếu niên”.
Đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt
Nam đến năm 2030: Tại mục VII (TỔ CHỨC THỰC HIỆN), phần 21, đề xuất nội dung: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia thực hiện Chiến lược trong phạm vi hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên; xây dựng và thực hiện các mô hình giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình trẻ no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”; phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển.