Hội thảo lấy ý kiến được tổ chức trong 03 ngày (15/6; 22/6 và 29/6/2021) tại Khách sạn La Thành với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan và các tổ chức NGO, như: chuyên gia Nguyễn Văn Tiên – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; chuyên gia Nguyễn Quỳnh Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Bộ Tư pháp; Đại diện tổ chức UNFPA, UNICEF, Đại sứ quán Úc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Vụ Pháp chế và đại diện lãnh đạo, chuyên viên Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL).
Sau 03 cuộc hội thảo trao đổi và thảo luận, các chuyên gia, đại biểu thống nhất với các điểm mới sau:
– Khi xây xây dựng dự thảo Luật dựa trên quyền con người, đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới, lấy người bị bạo lực là trung tâm khi xử lý vụ việc bạo lực gia đình.
– Khuyến khích cộng đồng đưa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào hương ước, quy ước của cộng đồng.
– Người có hành hành vi bạo lực gia đình tùy theo tính chất mức độ của hành vi phải tham gia khóa học kiểm soát hành vi bạo lực gia đình.
– Khi tiến hành xét xử vụ việc bạo lực gia đình, ưu tiên giải quyết các vụ bạo lực gia đình liên quan đến trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi để giảm thiểu tổn hại đến thể chất và tinh thần của người bị bạo lực gia đình; trong quá trình tố tụng, xét xử có sự hỗ trợ của cơ sở trợ giúp pháp lý và cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại.
– Bảo vệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn các biện pháp bảo vệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình).
– Vận động, khuyến khích thành viên của các tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình.
Là đơn vị thực hiện, chịu trách nhiệm, hiểu rõ nội dung xây dựng dự án Luật, Vụ Gia đình sẽ thực hiện xây dựng trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của chuyên gia và các thành viên. Thành viên tổ biên tập sẽ tổng hợp ý kiến, chỉnh sửa theo ý kiến đã được thống nhất trong hội nghị và gửi đến thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để lấy ý kiến trước khi đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.