Tiến bộ trong gia đình thể hiện chủ yếu qua các mối quan hệ trong gia đình, giáo dục gia đình và thực hiện bình đẳng giới. Phát huy giáo dục gia đình, đề cao giá trị yêu thương, chia sẻ, bình đẳng trong hôn nhân là rất cần thiết, tạo nền tảng xây dựng hệ giá trị con người thời đại mới. Nghiên cứu của Trần Thị Minh Thi (2021) chỉ ra rằng, gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng, coi bình đẳng là một giá trị của xã hội hiện đại. Các gia đình ngày càng thể hiện tốt hơn trách nhiệm, chia sẻ trong đời sống gia đình, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các thành viên trong gia đình; tổ chức cuộc sống gia đình, phân công các thành viên, chăm lo đời sống tinh thần. Việc tiếp nhận các yếu tố hiện đại, khoa học để tổ chức cuộc sống gia đình, bổ sung kiến thức, kỹ năng mềm… dưới khía cạnh văn hóa cho phép “gạn đục, khơi trong” để bổ sung các giá trị mới phù hợp với thời đại.
Nền kinh tế phát triển, các dịch vụ xã hội ngày càng đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, giảm bớt gánh nặng công việc gia đình cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cá nhân, phát huy tiềm năng bản thân, tham gia các hoạt động xã hội…Vai trò thực tế của phụ nữ được thừa nhận trong gia đình và ngoài xã hội do đóng góp của họ.
Tuy nhiên, bất bình đẳng giới và định kiến giới trong các quan hệ gia đình và xã hội vẫn tồn tại. Các số liệu điều tra, nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ định kiến giới ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nặng nề, như: 30% phụ nữ tin rằng nam giới phải là người ra quyết định và là chủ gia đình; 52% phụ nữ đồng tình và chấp nhận rằng nếu họ không trông con hoặc không làm tốt việc nội trợ thì bị chồng đánh; 62,9% phụ nữ đã trải qua một hình thức bạo lực trong đời; 49,6% phụ nữ bị bạo lực không kể với bất kỳ ai về việc bị chồng đánh (Tổng cục Thống kê, 2020a). Bên cạnh đó, thời gian làm công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ luôn cao hơn nam giới. Số liệu năm 2019 cho thấy, phụ nữ dành gần 39 giờ một tuần cho công việc, cộng thêm 18,9 giờ làm việc nhà, trong khi nam giới làm việc 40 giờ một tuần và có 8,9 giờ làm việc nhà. Như vậy, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp 2,1 lần so với nam giới (Tổng cục Thống kê, 2019).
Vấn đề bình đẳng giới – như là một giá trị tiến bộ đã tác động tích cực đến gia đình hiện đại. Năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết thực hiện Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới và sau đó là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cơ quan quản lý nhà nước về Bình đẳng giới, về gia đình được hình thành. Các cơ chế tư vấn như Ủy ban quốc gia/Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ thúc đẩy các sáng kiến bình đẳng giới. Quy định lồng ghép giới được đưa vào luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trở thành nội dung để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực thi vai trò thẩm tra, giám sát, quyết định… Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền, cung cấp kiến thức về giới và bình đẳng giới đến mọi đối tượng.
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia thực hiện Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” với những kết quả nhất định, tập trung: Nâng cao năng lực về kiến thức, kỹ năng phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, cung cấp nội dung hoạt động giáo dục đời sống gia đình; các cấp Hội xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn về giáo dục trước hôn nhân, gần 3.000 nam, nữ thanh niên đã được Hội cấp giấy chứng nhận tham gia tập huấn trước hôn nhân; xây dựng mô hình Góc tư vấn và chuyên mục thông tin điện tử về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân; thí điểm và nhân rộng mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Với những nỗ lực đó, thời gian qua chúng ta đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ vượt qua các định kiến xã hội, hướng phụ nữ tới những giá trị tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, đóng góp ngày càng nhiều trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.