Quan hệ giữa vợ và chồng là mối quan hệ có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm tính bền vững của gia đình. Luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh giữa các thành viên trong gia đình, trong đó có quan hệ giữa vợ và chồng. Một trong những mối quan hệ đó là quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng
Theo quy định của pháp luật hiện hành, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. Đây là quyền và nghĩa vụ thể hiện mối quan hệ tình cảm giữa vợ và chồng. Bên cạnh đó, vợ chồng còn có các quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, tham gia các công tác xã hội, có quyền học tập nâng cao trình độ chuyên môn, quyền lựa chọn chỗ ở nơi cư trú và quyền lựa chọn tín ngưỡng, tôn giáo, quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín. Vợ chồng bình đẳng trong mối quan hệ với con chung. Như vậy, khi xác lập quan hệ hôn nhân, với tư cách là một công dân, vợ, chồng được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Ngoài ra, vợ chồng còn có quyền đại diện cho nhau theo quy định của pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của người kia. Quy định về quyền đại diện giữa vợ, chồng là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên vợ hoặc chồng cũng như người thứ ba khi một bên vợ, chồng xác lập hoặc thực hiện các giao dịch dân sự.