Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc những nội dung về gia đình trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; Khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, thực hiện các chuẩn mực văn hoá gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ; Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú; Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1: 170).
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Chỉ thị số 49-CT/TW và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương liên quan đến công tác gia đình. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò của gia đình như là một thiết chế xã hội độc lập, có mối quan hệ tương tác với các thiết chế xã hội khác và có tác động to lớn đến quản lý phát triển xã hội.
Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản về gia đình vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch của địa phương; xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu đề ra; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục, vận động các thành viên trong gia đình tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, công tác phối hợp vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đối với công tác xây dựng gia đình. Khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, thực hiện các chuẩn mực văn hoá gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Rà soát, đánh giá và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp.
Mặt trận Tổ Quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng, gia đình và mỗi người dân phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện và phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác gia đình trên địa bàn.