Anh, chị em trong gia đình cùng huyết thống luôn có mối quan hệ khăng khít, tình yêu thương, trách nhiệm với nhau “Anh em như thể tay chân” , “ Chị ngã, em nâng” . Gia đình xưa thường đông con, các con cùng trang lứa. Trong nhà, trẻ em chơi với nhau, có tranh cãi, có xung đột, hình thành phe phái đánh nhau, nhưng lại luôn bênh vực cho nhau khi trách mắng,…Cha mẹ phải xử phạt, dậy dỗ cho các con tình chị em, cách làm anh, phận làm em. Nhờ đó trẻ được thực hiện quyền, bổn phận theo vai trò, thứ bậc, tôn ti trật tự trong gia đình, hiểu được sự đoàn kết, tình thương yêu, biết chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau.
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Ngày nay, đa số gia đình chỉ có một hoặc hai con, sống ở đô thị, chất lượng sống cao, hầu hết thời gian của trẻ dành cho việc học, thời gian rỗi thì tiếp cận các phương tiện giải trí như tivi, trò chơi điện tử, giao tiếp qua mạng internet. Vì vậy, sự giao tiếp giữa anh chị em rất hạn chế, nếu là con một thì không có mối quan hệ giao tiếp này.
Trẻ em được học ở trường, về nhà cha mẹ có dạy bảo, nhắc nhở nhưng ít hoặc không được trải nghiệm thực tế sẽ không hiểu biết ứng xử tốt trong mối quan hệ anh/chị/em.
Vậy nên, ngày nay các bậc cha mẹ trẻ nên chủ động mở ra cơ hội giao tiếp ứng xử cho các con trong mối quan hệ anh chị em họ hàng. Từ đó, hình thành mạch liên lạc giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm sống và chia sẻ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, là điều kiện để tạo quan hệ tình cảm yêu thương gắn bó và xây dựng truyền thống đoàn kết của gia đình, thần tộc.