Nguyên nhân khách quan
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, cùng với đó là hội nhập văn hóa tạo ra những hiện tượng phức tạp, tiêu cực đối với gia đình như nguy cơ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình bị đồng hóa, phá vỡ, lối sống thực dụng đề cao giá trị vật chất, tình trạng thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, buôn bán phụ nữ, trẻ em, môi giới hôn nhân, bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội… làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sản xuất, kinh doanh, giáo dục, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình. Thiết bị thông tin kết nối mạng internet và sự phát triển các mạng xã hội ngày càng nhiều, nhưng việc kiểm soát thông tin có mặt chưa chặt chẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến các thành viên gia đình, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên.
Gia đình Việt Nam đang có biến đổi nhiều mặt về quy mô, cấu trúc, chức năng, thang giá trị, nhiều loại hình gia đình xuất hiện và tồn tại song hành với mô hình gia đình truyền thống. Khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm dân cư, các vùng địa lý ngày càng rộng, tỷ lệ tái nghèo còn cao, lõi nghèo tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra thách thức đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” và đang chuẩn bị sang giai đoạn “già hóa dân số” với tốc độ nhanh; cùng với đó, tỷ lệ gia đình trẻ, gia đình khuyết thế hệ và gia đình chỉ có người cao tuổi tăng, tạo ra những thách thức về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội.
Nguyên nhân chủ quan
Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình như là một thiết chế xã hội và có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý phát triển xã hội; thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao và chưa thực hiện nghiêm các chế tài liên quan đến công tác gia đình. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình và giải quyết những vấn đề của gia đình, còn coi đó là trách nhiệm riêng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ, đảng viên trong xây dựng gia đình chưa đi vào thực chất, còn hình thức.
Việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về gia đình chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, nhất là việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội chưa lấy gia đình làm đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng thành quả phát triển. Do chưa có số liệu đầy đủ ở quy mô quốc gia về gia đình nên việc hoạch định chính sách xã hội đối với gia đình và các chính sách kinh tế – xã hội khác giải quyết những khía cạnh về gia đình chưa thực sự dựa trên bằng chứng và luận cứ khoa học. Cá biệt, còn hiện tượng lạm dụng, trục lợi chính sách như chính sách hỗ trợ người nghèo, người nhiễm chất độc da cam Dioxin, bảo hiểm y tế.
Việc thực hiện các chính sách về gia đình chưa có trọng tâm, còn dàn trải, chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong quản lý phát triển xã hội. Sự phối hợp giữa các ngành trong giải quyết vấn đề của gia đình, nhất là trong phòng, chống bạo lực chưa hiệu quả. Bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về gia đình các cấp chưa thống nhất và chưa ổn định. Ban chỉ đạo công tác gia đình chưa có sự thống nhất giữa các tỉnh, thành phố. Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình và năng lực đội ngũ làm công tác gia đình còn hạn chế; chưa phát huy vai trò của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia xây dựng gia đình.
Một số gia đình chưa quan tâm giáo dục đạo đức, tổ chức cuộc sống gia đình nên sự gắn kết giữa gia đình với cộng đồng lỏng lẻo. Định kiến giới còn tồn tại nặng nề ở nhiều địa phương dẫn tới các vấn nạn xã hội còn phổ biến như mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa được cải thiện, phụ nữ ít được tham gia quyết định các vấn đề lớn trong gia đình.