Sự an toàn của gia đình gắn liền với điều kiện kinh tế. Đời sống kinh tế, phúc lợi gia đình Việt Nam trên các khía cạnh nhà ở, tiện nghi, thu nhập, chi tiêu đã tăng khá mạnh mẽ từ sau thời kỳ Đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người một tháng hiện nay là 4,295 triệu đồng, trong đó đô thị cao hơn rõ so với nông thôn (6,022 triệu đồng so với 3,399 triệu đồng) (Tổng cục Thống kê, 2019). Chủ hộ là nữ có thu nhập bình quân cao hơn chủ hộ là nam giới (4,828 triệu đồng so với 4,132 triệu đồng) (Niên giám thống kê 2019). Khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, thì xây dựng khát vọng thịnh vượng của gia đình là phù hợp với chiều hướng phát triển. Xây dựng gia đình Việt Nam thịnh vượng, cũng là đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro, an toàn cho gia đình.
Văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy kinh tế hộ. Khi kinh tế gia đình ổn định, phát triển sẽ tạo điều kiện để mỗi cá nhân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa tốt hơn. Phát triển kinh tế gia đình trở thành yêu cầu thường xuyên của mỗi hộ gia đình. Nhiều gia đình không chấp nhận đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng để XD gia đình sung túc, thịnh vượng.