Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới đã chỉ ra một trong những thách thức hiện nay là “chưa xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em; … ”. Theo đó, Ban Bí thư đã chỉ thị cho Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến gia đình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách gia đình”.
Thông báo số 26-TB/TW ngày 09 tháng 05 năm 2011 của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhấn mạnh “Đổi mới nội dung và giải pháp truyền thông về gia đình, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”, “chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình”, “Xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình”. Đồng thời, để tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, tại các văn bản của Đảng đã tiếp tục đề ra các chủ trương, định hướng, yêu cầu đối với công tác này, làm cơ sở quan trọng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 06 năm 2014 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tiếp tục xác định gia đình là yếu tố quyết định trong tiến trình xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện. Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, giáo dục đạo đức, lối sống văn minh và trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp. Tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII cũng đề ra các quan điểm, chủ trương, giải pháp cụ thể cho việc thực hiện các biện pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định quan trọng về xây dựng và phát triển gia đình, như: “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân” (Khoản 3, Điều 60); về bảo vệ quyền của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bảo đảm bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật … trong gia đình (các Điều 26, 36, 37 và Điều 58), tạo cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa chính xác, đầy đủ các quy định của Hiến pháp trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các đạo luật quan trọng, điều chỉnh các vấn đề về gia đình và bảo vệ các thành viên trong gia đình, về phòng, chống bạo lực gia đình đã được sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp 2013 như: Bộ Luật Hình sự (2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ Luật Dân sự (2015); Bộ Luật Lao động (2019); Luật Hôn nhân và Gia đình (2014); Luật Trẻ em (2016); Luật Nhà ở (2014); Luật Tiếp cận thông tin (2016); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016); Luật Báo chí (2016); Luật Trợ giúp pháp lý (2017); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (2017); Luật Tố cáo (2018)… Với vị trí là đạo luật quy định trực tiếp về các vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình và để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ nội dung, quy định, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và thống nhất, đồng bộ với các đạo luật liên quan trực tiếp tới phòng, chống bạo lực gia đình nêu trên, việc đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 là cần thiết.
Mặt khác, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người rất quan trọng, như Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các khuyến nghị của Ủy ban các Công ước Nhân quyền. Quá trình rà soát, báo cáo việc thực thi các công ước quốc tế và các khuyến nghị của các Ủy ban nhân quyền liên quan cũng đã đặt ra những yêu cầu cần phải có những sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để tiếp tục bảo đảm thực hiện có hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình trước những tác động của sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như hội nhập kinh tế – quốc tế. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình chính là hành động thiết thực nhất của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.