Gia đình chính là nơi mà mọi thành viên có điều kiện quan tâm, chăm sóc đến nhau, tạo nên sự thỏa mãn những nhu cầu vật chất, tinh thần thiết yếu cho mỗi cá nhân. Gia đình cũng là nơi mà không gian thuộc về sở hữu của mọi thành viên trong gia đình, là nơi ghi lại trong ký ức sâu thẳm những tình cảm thiết tha nồng nàn, thiêng liêng của đời người, nơi mà con người có thể tìm được nguồn động viên an ủi của những người thân, những cảm giác thư giãn sau những giờ phút lao động mệt nhọc, nơi mà những nhu cầu cơ bản nhất của của con người được thỏa mãn một cách triệt để nhất. Vì vậy, trong gia đình nên có những giờ giấc sinh hoạt chung, tạo không khí gia đình đầm ấm, thân mật. Ví dụ sau một ngày làm việc, mọi người đều về ăn tối ở nhà, cùng chuyện trò, quan tâm đến người già, vui đùa với trẻ nhỏ…
Gia đình là môi trường đầu tiên giúp cho mỗi người phát triển đời sống tinh thần phong phú và hoàn thiện nhân cách của mình. Bởi thế, khi một thành viên nào đó trong gia đình có biểu hiện của sự thành công trong cuộc sống, dù là rất nhỏ bé, thì các thành viên còn lại cần có sự quan tâm, cổ vũ và động viên, khích lệ kịp thời. Điều này sẽ khiến người ấy nhận thấy giá trị của bản thân được thừa nhận, họ sẽ có được tự tin và dễ dàng phấn đấu đạt được nhiều thành công hơn nữa. Thậm chí, ngay cả khi thất bại, họ cũng được sẻ chia, an ủi mà không chán nản, bi quan, vì họ hiểu rằng đằng sau mình luôn có gia đình làm điểm tựa, chở che, nâng đỡ.
Mỗi thành viên trong gia đình phải phát huy tốt những giá trị đạo đức, nền nếp gia phong của gia đình truyền thống như: Con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh em đoàn kết thuận hòa… đồng thời duy trì những giá trị nhân văn mới như bình đẳng trong gia đình, trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái, hôn nhân tiến bộ. Ông bà cha mẹ làm tốt việc giáo dục con cái, trong đó người lớn luôn luôn gương mẫu để gia đình phát triển sức mạnh nội sinh, trở thành thành lũy vững chắc ngăn chặn tiêu cực từ bên ngoài tác động vào.