Đây là mối quan hệ có nhiều lời thủ thỉ, tâm tình, nhiều niềm vui, nụ cười và cũng có cả nước mắt. Mẹ và con gái thường gắn bó mật thiết với nhau, chia sẻ tất cả những điều thầm kín. Nhưng cũng không loại trừ xảy ra tình huống mẹ và con gái có mâu thuẫn với nhau do hiểu lầm, hoặc do xung khắc về lối sống, xung đột về quyền lợi… Nhưng xuyên suốt chiều dài của mối quan hệ này là sự yêu thương, gắn bó, quan tâm lo lắng cho nhau, thậm chí hy sinh vì nhau.
Đầy ắp tình thương yêu và cũng nhiều mâu thuẫn.
Các bà mẹ khi sinh con gái, đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nuôi nấng, dạy dỗ con gái. Trong nội dung dạy bảo, phần về vai trò làm vợ, làm mẹ chiếm vị trí quan trọng. Người mẹ dạy con gái điều này không phải bằng những lời giáo huấn mà bằng quan hệ, bằng những buổi chuyện trò thủ thỉ, bằng công việc hàng ngày như: dạy con vo gạo, nấu cơm, nhặt rau, may vá…
Khi người con gái càng lớn, người mẹ càng thấy nó giống mình. Do vậy, bà mẹ cố gắng để con chịu ảnh hưởng của mình càng nhiều càng tốt. Đây là một trong những hình thức “bao cấp” trong quan hệ mẹ – con gái. Có những bà mẹ vì thương con nên lúc nào cũng xem con là dại khờ, phải khuyên điều này, mắng điều kia. Khi con đã khôn lớn, đã tự lập, vẫn không xem con là người lớn, cứ tiếp tục đối xử với con như đứa trẻ nhỏ của mình ngày trước, và vì thế vô tình khiến cho mối quan hệ mẹ – con không thay đổi theo thời gian, không trưởng thành theo tuổi tác. Điều này khiến người con thiếu tinh thần tự chủ trong cuộc sống hoặc người con có thể ngại tiếp xúc, giao tiếp với mẹ để tránh bị coi là trẻ con.
Lại có người mẹ vì yêu thương con quá, không cho con động chân, động tay tới những việc bếp núc. Kết quả, con gái lớn nhưng không hề biết việc nội trợ, chăm sóc gia đình.
Hiểu biết và tôn trọng nhau
Một điều các bà mẹ cần nhớ: Dù là mẹ con nhưng hai người là hai cá thể những cá tính khác nhau, tuổi tác khác nhau, cách suy nghĩ, suy tư khác nhau, cả đến cách sống và cách làm việc cũng khác nhau. Ngoài ra, mẹ và con thuộc hai thế hệ khác nhau nên trưởng thành trong những môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Thông thường và cũng hợp quy luật là người con sẽ hiểu biết nhiều hơn mẹ, có vai trò và ảnh hưởng ngoài xã hội lớn hơn mẹ. Vì vậy, tuy là mẹ nhưng cũng không nên áp đặt mọi ý nghĩ, quan niệm sở thích của mình lên con.
Nếu người mẹ không nhanh chóng nhận ra điều này, sớm hay muộn giữa hai mẹ con sẽ nảy sinh những bất đồng, bắt đầu thì nhỏ nhưng không được giải quyết sẽ lớn dần lên và sẽ “phá hoại” tình mẹ con. Ngoài ra, trong vai trò làm mẹ, người mẹ yêu dấu nhưng yếu đuối và có lúc bất lực trước những quy tắc, chuẩn mực của xã hội, nên có thể sẽ cấm đoán con gái trong một số hoạt động như đi chơi khuya, ngủ qua đêm với bạn.
Không nên đổ lỗi cho nhau
Có những người con ngoan ngoãn, giỏi giang, xinh đẹp là một hạnh phúc lớn cho cả mẹ lẫn con, không có gì để nói nữa. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không được may mắn như vậy. Lúc đó cũng không nên đổ lỗi cho nhau. Thực tế, có những bà mẹ để lại ảnh hưởng không tốt cho con gái, nhưng dù hoàn cảnh thế nào, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người mẹ. Cuộc sống luôn có những thử thách khắc nghiệt mà để vượt qua chúng, con người phải trả giá rất đắt. Khi con không may mắn trong cuộc đời, không chỉ các con buồn, mà cha mẹ, nhất là người mẹ cũng buồn đau không kém. Người mẹ nào cũng dành cho con gái những tình cảm sâu đậm và mong con gái hạnh phúc. Người mẹ đã cố gắng làm điều này trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục, nhưng có thể là do hoàn cảnh mà không thể nào tránh được những vấp váp khi nuôi dạy chúng ta trong những ngày thơ ấu hoặc thiếu hiểu biết về cách giáo dục con tích cực, hợp lý nên có thể đã để lại những kỷ niệm buồn trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể thay đổi hiện tại và nhất là có nhiều điều chúng ta có thể làm để tương lai được tốt đẹp hơn.
Nuôi dưỡng, duy trì và khắc sâu tình cảm tốt đẹp
Những kỷ niệm đẹp với mẹ, ai cũng có. Nuôi dưỡng và làm sống lại những kỷ niệm đẹp chính là cách tốt nhất để duy trì tình cảm cật ruột và sâu sắc giữa mẹ và con gái. Không điều gì làm người mẹ vui hơn là nghe con nhắc lại những điều tốt đẹp mình đã làm mà con vẫn còn ghi nhớ. Ví dụ, bạn có thể nhắc lại những lần mẹ đưa đi mua sách vở ra sao, mẹ đưa bạn đến trường thế nào; hay là cảm giác lần đầu tiên về quê thăm ông bà ngoại; lần đầu tiên mẹ phát hiện ra bạn đã cao hơn mẹ… Nếu ai đó không may có những kỷ niệm đau buồn với mẹ, hãy nghĩ đến mẹ với lòng thương yêu tha thứ và nếu có thể, hãy tìm dịp để thành thật nói cho mẹ biết rằng những kỷ niệm đó không còn được nhớ tới nữa. Những lời nói chân thành, đầy thương yêu sẽ xóa bỏ ngăn cách giữa mẹ con, giúp mẹ con dễ dàng xích lại gần nhau, mang lại an ủi cho nhau.
Mẹ là người tuyệt vời nhưng không hoàn hảo, dù yêu thương con gái hết mực, mong cho con bao điều tốt đẹp, cố gắng làm tất cả những điều nghĩ là hay cho con… Nhưng trong cuộc đời dài với biết bao nhiêu thăng trầm, mẹ cũng khó tránh được những lúc yếu đuối, lỗi lầm. Những người mẹ càng thương con, càng dễ rơi vào ích kỷ, mù quáng. Lúc như vậy có thể làm nhiều điều khiến con buồn đau, bất mãn nhưng cần nhìn ra những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mẹ để hiểu và cảm thông với mẹ.