Lúc con còn bé, cha là người luôn gần gũi, chở che, dạy bảo nhưng khi đã lớn, con trai lại thường có những xung khắc với cha. Đây là điều bình thường vì trong mối quan hệ cha – con trai thường có 2 “tuyến”: Quan hệ cha con và quan hệ giữa hai người đàn ông.
Người cha – thần tượng đàn ông của con
Về nguyên tắc, khi đứa con ra đời và lớn lên, nó thấy cha nó bao giờ cũng là người tuyệt vời. Lúc này người cha đúng là “thần tượng đàn ông” của con trai. Nhưng khi con trai lớn lên, không phải người cha nào cũng dễ dàng thực hiện vai trò “thần tượng”, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi cuộc sống biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ. Cha là thần tượng đàn ông đầu tiên trong gia đình, tạo nên sức hút mãnh liệt để tách dần con trai ra khỏi mẹ sau một thời kỳ gắn bó khăng khít của cặp mẹ con khác giới trong tuổi thơ. Nhưng khi người con trai lớn dần, bước vào cuộc sống xã hội, anh ta sẽ hiểu ra nhiều vấn đề. Lúc này hình ảnh thần tượng của người cha bắt đầu bị thử thách.
Tuy nhiên, dẫu trong hoàn cảnh nào thì bậc làm cha cũng phải giữ gìn và bảo vệ hình ảnh thần tượng của mình trong mắt con. Với vai trò thần tượng, người cha còn phải gánh vác thêm cả sứ mệnh giúp con có thêm “nam tính”, khắc phục dần sự ít được tiếp xúc với đàn ông vì ở trường mẫu giáo và trường tiểu học, các em gần như chỉ được tiếp xúc với cô giáo.
Hình ảnh người đàn ông khỏe mạnh, thân thiết, có trách nhiệm của người cha sẽ còn theo con từng bước đi trên con đường đời, cùng đối mặt với khó khăn, thách thức; chinh phục, khám phá những điều mới lạ, những đỉnh cao trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống.
Và cũng chính người đàn ông mạnh mẽ nhưng dịu dàng, tinh tế trong người cha chứ không phải là ai khác sẽ dạy cho con trai những bài học đầu đời về tình yêu thương, sự trân trọng, bảo vệ và che chở cho “phái đẹp”, qua những nét đẹp trong ứng xử hàng ngày mà cha dành cho mẹ. Và đó cũng là những đóng góp vô giá của người cha đối với kỹ năng sống – một trong những yếu tố tạo nên hạnh phúc của con trai.
Sự phức tạp và thú vị trong quan hệ cha – con trai
Khi con trai đã lớn, quan hệ cha – con trở thành quan hệ giữa hai người đàn ông với nhau. Do vậy, mối quan hệ này có hai “tuyến”, phức tạp và thú vị. Với tư cách là người cha, khi nào người đàn ông lớn tuổi hơn cũng dành cho người con trai của mình những tình cảm sâu nặng, sự quan tâm lớn lao. Người cha hy vọng đứa con của mình sẽ thành đạt trong cuộc đời. Vì tương lai của con, người cha có thể hy sinh bản thân mình.
Với tư cách là hai người đàn ông với nhau, quan hệ cha con có thể rất êm đềm, mật thiết (nếu hợp nhau); cũng có thể rất trục trặc, gay cấn (nếu không hợp nhau). Khi hợp nhau, sự cảm thông, chia sẻ sẽ có mặt thường xuyên giữa hai cha con, cùng với nó là những nụ cười. Còn khi không hợp nhau, sự khó chịu, sự nghi kị luôn luôn phảng phất xung quanh hai người. Điều này khiến cả hai đều khó chịu. Trong những trường hợp như vậy, thường họ chọn giải pháp im lặng và lẩn tránh nhau. Trong những lúc như vậy, vai trò của người mẹ vô cùng cần thiết. Người mẹ là cầu nối để hai cha con hiểu và thông cảm với nhau.
Có những lúc quan hệ giữa cha và con căng thẳng, gay cấn, thậm chí kéo dài cho tới khi người cha già yếu. Nếu xử lý không khéo, sự căng thẳng có thể gây hậu quả đáng tiếc. Chính vì vậy trong quan hệ giữa cha và con trai cần có sự thẳng thắng, cương trực cũng như sự công nhận và nhường nhịn lẫn nhau. Cần tránh những cách ứng xử dẫn tới mâu thuẫn, xung đột như sự áp đặt, mong đợi của người cha với con trai hay sự kiệm lời dẫn đến nghi ngại và hiểu lầm nhau.