Không phải ngẫu nhiên mà trong hương ước làng xã xưa lại đặt ra những điều thuộc phạm vi trong gia đình, dòng họ và trong làng xã mà chúng ta hiểu đây là phạm trù giáo dục xã hội. Những khoán ước này được xem là rất quan trọng, mang ý nghĩa định hướng nhân cách của con người từ gia đình đến với văn hóa ứng xử xã hội và mỗi vi phạm sẽ bị xử phạt. Phần lớn các hương ước đều nói về bổn phận con cái đối với cha mẹ, ông bà, vợ đối với chồng, em út đối với anh chị đó chính là quy định về đạo hiếu và cũng từ đó mở rộng ra là mối quan hệ hàng xóm, láng giềng,… trong giai đoạn hiện nay ít nhiều đang dần mai một.
Đối với vấn đề này, hương ước nhiều làng quy định rất rõ nhằm ổn định gia đình theo tư tưởng “ tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (làng Xuân Úc, Tam Khôi, Đồng Xuân, Quỳnh Đôi,.. huyện Quỳnh Lưu; làng Hoành Sơn, Dương Liễu huyện Nam Đàn; làng Võ Liệt, Ngọc Sơn,.. huyện Thanh Chương trên địa bàn tỉnh Nghệ An), ngày xưa vì gia đình là nền tảng vững chắc của xã hội, gia đình ổng định thì xã hội phồn vinh, trong đó chữ “Hiếu” phải đứng đầu. Một số quy định như: Con bất hiếu với cha mẹ nếu răn mãi không nghe thì làng giao cho các bậc huynh trưởng gia tộc xử lý, giải quyết cho êm thấm, giải quyết không được thì mới trình làng. Làng cũng lấy khuyên răn hòa giải làm đầu, không được thì mới chiếu theo quy định của làng để phạt. Cá biệt hơn có làng lại quy định rõ thành một điều riêng như Hương ước của làng Thanh Sơn, xã Thanh Viên, huyện Quỳnh Lưu, nay là xã Sơn Hải được lập năm Tự Đức thứ 7 (1854) và được sao chép lại vào năm 1942, điều 6 quy định “ người nào trong làng bất hiếu, bất đễ và bất mục nếu có bằng chứng thì phạt tiền một quan hai, hộ hạng phạt 30 roi”. Hương ước làng Thọ Lộc, Tổng Cự Lâm nay thuộc huyện Nghĩa Đàn được biên soạn năm 1914, dưới thời vua Duy Tân thứ 8 quy định: “ phạm tội bất hiếu, bất mục mà bị phát giác thì bị phạt năm tiền đồng nếu là viên chức, còn dân thường thì phạt ba chục, sáu tháng cấm không được đi họp làng”.
Trong quan hệ gia đình vấn đề đạo nghĩa vợ chồng và mối quan hệ giữa con cái với bố mẹ cũng được hương ước đề cao như hương ước làng Xuân Phúc (Nam Đàn) quy định “Trong gia đình người vợ phải giữ tính nết hiền lành, lấy chữ trinh thuận và tứ đức “ công, dung, ngôn, hạnh” làm đầu, người nào chua ngoa, cậy thế gia đình mình có của, chửi mắng cha mẹ chồng, anh em nhà chồng rồi lăng mạ đến cả tổ tiên nhà chồng, cha mẹ, chú bác và các bậc tôn trưởng trong họ răn đe mãi không được. Nếu như chồng muốn ly dị thì làng cũng thuận tình, nhưng trước khi ly dị phải mời cha mẹ cô ta đến hoặc đến nhà cha mẹ cô ta để nói rõ sự tình”,… Không những quy định trách nhiệm của con cái đối với ông bà, cha mẹ, anh em trong gia đình dòng họ, đạo hiếu cũng được quy định trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái như hương ước của làng Yên Lưu, nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh quy định “ cha không biết dạy con, anh không biết dạy em, chồng không biết dạy vợ thì phạt 10 quan nếu là viên chức, 6 quan nếu là thường dân…”
Vấn đề hiếu đễ là cội rễ sâu xa để từ đó tạo ra những lối ứng xủ phù hợp giữa con người với con người, không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, kẻ trên người dưới như quy định: Nhà làm quan vẫn cứ phải giữ lễ phép, kính trên nhường dưới, không cậy mình có vị thế mà kiêu căng; đối với nhà học trò thì phải giữ gìn hạnh kiểm, chăm học, giữ gìn lễ nghĩa, đối với dân cày không ước ngạch quan trường song phải giúp đỡ lẫn nhau trong công việc,… chính những điều ấy mặc dù chúng ta đã được học song không phải ai cũng thực hiện được.