Trong đời sống văn hóa của người Việt, gia đình giữ vị trí hết sức quan trọng. Gia đình không chỉ là tập hợp những người cùng chung mối quan hệ hôn nhân, huyết thống sinh sống dưới một mái nhà mà còn là nơi con người được đáp ứng các nhu cầu tình cảm, là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện của mỗi thành viên trong gia đình. Xã hội Việt Nam được hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước với lối sống định cư, trải qua những thiếu thốn, khó khăn, phải chống chọi với giặc ngoại xâm, thiên tai và thú dữ hình thành nên mối quan hệ gia đình bền chặt, khăng khít, gia đình trở thành đơn vị gốc tạo nên xã hội Việt Nam.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng, trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa của một quốc gia.
Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đã ít nhiều kéo theo những thay đổi về quan niệm sống và điều này đã tác động đến cuộc sống gia đình trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là giới trẻ. Giờ đây, những mô hình gia đình tam tứ đại đồng đường cùng chung sống dưới một mái nhà có lẽ không còn nhiều, gia đình hạt nhân đang trở nên phổ biến và dần thay thế; hiện tượng nhanh chóng kết hôn rồi vội vàng ly hôn cũng đang ngày một trở thành phổ biến trong giới trẻ; bạo lực gia đình ngày một gia tăng dưới mọi hình thức. Đạo đức xã hội xuống cấp phần nhiều do sự xuống cấp đạo đức từ trong gia đình…Chức năng giáo dục thế hệ trẻ và truyền thụ văn hoá đang ít nhiều bị xem nhẹ. Gia đình đang có xu hướng “giao phó” chức năng này cho thiết chế trường học và hệ thống các dịch vụ xã hội khác. Điều đáng nói là mối liên hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình dường như đang ngày càng “lỏng lẻo”, theo hướng tự chủ, phát triển độc lập và cá nhân hoá. Khuynh hướng này có thể làm suy yếu tính cộng đồng, cộng cảm trong phạm vi gia đình. Theo một điều tra xã hội học, hiện nay có tới hơn 70% các gia đình ở thành phố chỉ ăn chung với nhau một bữa ăn duy nhất trong ngày. Người già và trẻ em đang phải đối mặt với sự cô đơn, sự thiếu quan tâm và chăm sóc từ các thành viên khác trong gia đình. Họ đang dần bị “đẩy” ra các nhà dưỡng lão, nhà trẻ, trung tâm chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ xã hội khác. Cấu trúc gia đình dễ biến động, thiếu tính bền vững do sự thay đổi trong quan niệm về hôn nhân, hạnh phúc, của các thành viên gia đình. Sự “lệch chuẩn” đang bị nhầm lẫn là lối tư duy hiện đại. Xã hội hiện đại tôn trọng quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân, cái tôi của mỗi người, và dễ dàng dẫn đến việc ngoại tình của những ông bố, bà mẹ; với lối sống vô cảm giữa người với người…Trong đó, tấm lòng yêu thương, sự báo hiếu giữa con với cha mẹ của những người làm con ngày càng lãng quên nhất là ở lớp trẻ. Khi điểm tựa gia đình lỏng lẻo, kéo theo đó là vô vàn hệ lụy. Ở phạm vi hẹp là những thành viên trong gia đình không hiểu biết lẫn nhau, thiếu tôn trọng lẫn nhau, thiếu tình cảm dành cho nhau. Ở phạm vi rộng lớn hơn là tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết ở thôn xóm, khu phố cũng đang ngày một nhạt nhòa. Khi mối gắn kết của các thành viên trong gia đình và các tế bào gia đình trong xã hội không còn khăng khít, thì tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm, HIV/AIDS cũng có nhiều cơ hội đến gõ cửa, xâm nhập vào mỗi gia đình.
Trước những thử thách đó, ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của gia đình. Như vậy có thể thấy, hơn lúc nào hết vai trò của gia đình Việt Nam trong một xã hội phát triển đang được Đảng và Nhà nước rất đề cao.