Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam ban hành theo Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/05/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ vai trò của gia đình trong xã hội, cụ thể: Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các chuyên gia cũng nhận định: Gia đình là một tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa – xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng giáo dục giữa các thành viên. Theo đó, có 3 vai trò được phân tích dưới đây:
Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người
Mỗi con người khi sinh ra thông thường đều có một gia đình, ánh mắt đầu tiên là cái nhìn về cha mẹ, âm thanh đầu tiên tiếp nhận là âm thanh từ cha mẹ, ông bà, anh, chị, người thân. Sự chăm sóc của gia đình giúp các em lớn dần lên, chập chững những bước đầu tiên, học câu nói đầu tiên, qua lời ru của mẹ, của bà… cùng với sự dậy dỗ của gia đình, các em được tiếp cận và thẩm thấu truyền thống văn hóa gia đình và nền văn hóa xã hội. Chính vì vậy hành vi đầu đời của các em có dấu ấn sâu sắc của gia đình. Trẻ em nói riêng, con người nói chung có hành vi tốt hay xấu trước hết và chủ yếu là do môi trường giáo dục của gia đình tạo nên.
Gia đình chuẩn bị hành trang cho các em bước vào đời
Trong vòng tay của cha mẹ và gia đình, các em được nuôi dưỡng bằng những giá trị vật chất và tinh thần. Theo thời gian, các em dần lớn lên hoàn thiện về nhân cách. Trên những bước đường trưởng thành, những ký ức của tuổi thơ luôn theo chân các em trên mỗi giai đoạn phát triển, mà ở đó có thể là ký ức vui buồn trong vòng tay yêu thương của gia đình. Tất cả các yếu tố đó đã trở thành hành trang, động lực giúp các em vươn lên, quyết tâm hơn trên mỗi bước đi của cuộc đời mình.
Gia đình là nhịp cầu với nhà trường và xã hội
Gia đình là cái nôi, ngồi trường đầu tiên của các em, giáo dục trong nhà trường là giai đoạn tiếp theo. Nhà trường là môi trường rộng hơn, trẻ được tiếp cận với bạn bè, thầy cô và kiến thức, thể chất ngày càng phát triển, theo đó nhận thức và nhân cách được phát triển rất mạnh ở thời kỳ này.
Để định hướng, uốn nắn và điều chỉnh về nhân cách của các em gia đình phải luôn liên hệ với nhà trường, với Thầy cô giáo, để nắm bắt những ưu điểm và hạn chế của các em để tác động giúp các em biết khắc phục mặt yếu, phát huy mặt mạnh. Sự hợp tác này sẽ đạt hiệu quả rất cao vì nhà trường chính là môi trường thuận lợi nhất, tốt nhất để các em học tập và rèn luyện. Bên cạnh nhà trường, xã hội có tác động không nhỏ tới việc hình thành nhân cách của một người. Môi trường xã hội tốt sẽ là cơ sở để hình thành lên nhân cách tốt của con người, trong quá trình phát triển, thông qua gia đình và nhà trường trẻ được tiếp cận với xã hội, tiếp thu các chuẩn mực xã hội để hình thành lên nhân cách của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang hội nhập và phát triển, do ảnh hưởng từ phương Tây nên các hệ giá trị đang có những thay đổi nhất định, mặt trái của nền kinh tế thị trường tạo nên nhiều tiêu cực, cám dỗ đã ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của các em. Việc này đòi hỏi gia đình cần có định hướng và các biện pháp đúng đắn để khẳng định vai trò vị trí, tác dụng quan trọng không gì thay thế được trong việc giáo dục nhân cách cho các em.
Như vậy, có thể khẳng định vai trò của gia đình đối với việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.