Để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và phát huy vai trò của giáo dục gia đình trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách và định hướng lối sống của thanh niên cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; trong đó, chú trọng vai trò nền tảng từ gia đình. Vì thế, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng về vấn đề xây dựng gia đình nói chung, giáo dục trong mỗi gia đình nói riêng để giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao thể chất, trí lực, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đạo đức, lối sống của thanh niên nói riêng, con người nói chung. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục là gia đình – nhà trường – xã hội; trong đó, phát huy những ưu điểm của từng môi trường giáo dục để không chỉ đi đến sự thống nhất trong giáo dục trẻ em mà còn hỗ trợ và đồng hành cùng mục tiêu chung là tạo dựng nguồn lực con người Việt Nam chuẩn mực về đạo đức, hoàn thiện về tri thức, kỹ năng. Đi liền cùng đó là phát huy vai trò của các trung tâm bảo trợ, nuôi dạy trẻ mồ côi, các làng trẻ, trại trẻ mồ côi, những ngôi chùa,v.v.. để những trẻ em bị thiệt thòi vì không thể/thiếu một mái ấm gia đình được chăm sóc, yêu thương, học tập và vui chơi cùng các bạn đồng hoàn cảnh…
Cần có các thiết chế hỗ trợ gia đình và giáo dục gia đình
Chúng tôi cho rằng cần phải ban hành một đạo luật mới về gia đình và giáo dục gia đình, trong đó có quy định về việc Nhà nước và các thiết chế hữu quan trợ giúp cha mẹ, ông bà và con cái về phương tiện vật chất, tri thức và kỹ năng cần thiết để họ thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của mình.
Nhưng để có thể xác lập được những quy định có tính pháp lý đó và nhất là để những quy định đó được đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tác động tích cực thì trước hết phải lập ra các thiết chế có chức năng và điều kiện hỗ trợ giáo dục gia đình. Ở nhiều nước phát triển, các thiết chế này đã xuất hiện và phát triển từ lâu, đồng thời đã và đang phát huy hiệu quả xã hội rất tích cực. Trong khi đó, ở nước ta, khi cha mẹ, ông bà gặp khó khăn trong giáo dục con cái, họ dường như không thể cầu cứu bất cứ sự trợ giúp nào từ các cơ quan công quyền cho tới các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa, v.v.. Tương tự như vậy, khi các cá nhân ở tuổi vị thành niên gặp vấn đề đối với cha mẹ hay các thành viên khác trong gia đình thì họ hoàn toàn không thể trông chờ bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài gia đình. Kết quả là họ rất dễ bị các khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng niềm tin nhấn chìm, xô đẩy họ tới những hành vi nguy hại như phạm tội, sa và tệ nạn xã hội hoặc thậm chí là tìm cách tự sát. Từ góc độ này, có thể thấy gia đình và giáo dục gia đình đang chất chứa rất nhiều bất cập, có độ rủi ro cao và là một trong những điểm dễ bị tổn thương nhất của xã hội nước ta hiện nay và đang rất cần nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các đoàn thể, các cơ quan tư vấn và cơ quan chuyên môn.
Chú trọng tạo dựng môi trường gia đình tràn ngập tình yêu thương, bình đẳng và trách nhiệm, tổ chức lối sống gia đình lành mạnh, các thành viên trong gia đình yêu thương, sẻ chia, gắn kết và cha mẹ, ông bà nêu gương cho con cháu học theo, làm theo những điều tốt đẹp, có giá trị nhân văn lớn lao. Đi liền cùng đó, trong mỗi gia đình, các bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm của mình; xác định mục tiêu giáo dục trẻ em trong từng giai đoạn và trong cả quá trình, phù hợp tâm sinh lý và lứa tuổi để thống nhất phương pháp giáo dục; khắc phục được tâm lý gây áp lực cho con cháu. Trong giáo dục, việc tạo điều kiện để con cháu được nêu chính kiến, quan điểm thậm chí phản biện lại một vấn đề nào đó là vô cùng cần thiết, bởi đây là năng lực, bản lĩnh cần thiết của mỗi con người được giáo dục hiện đại khuyến khích, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức, lối của con người từ ngay gia đình mình.
Các bậc cha mẹ không ngừng học hỏi, tìm hiểu những tri thức khoa học, xã hội, trang bị và nâng cao kiến thức, khả năng chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục con cái, để không chỉ góp phần tăng cường, nâng cao và phát huy được vai trò giáo dục gia đình, nhất là với các bậc cha mẹ ở khu vực nông thôn, miền núi mà còn khắc phục phương pháp giáo dục chỉ dựa trên kinh nghiệm và cảm tính. Thực tế cho thấy, cha mẹ có quyền và thường tác động đến sự phát triển và định hướng tương lai của con cái, song nếu giáo dục không đúng và định hướng “không chuẩn”, không sát điều kiện thực tế của chính bản thân con cái và gia đình thì con cái không những không phát huy được khả năng của mình mà còn luôn cảm thấy căng thẳng, dễ dẫn đến suy sụp tinh thần và thể chất.
Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông gắn với tăng cường tuyên truyền Chiến lược xây dựng gia đình và văn hóa gia đình để nâng cao nhận thức và hành động, góp phần thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình. Qua đó, giúp cho các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong gia đình, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gia đình ngày càng phát triển bền vững
Cần có những chính sách và hoạt động tôn vinh những gia đình, họ tộc, địa phương tổ chức tốt giáo dục gia đình đối với thế hệ trẻ
Hiện nay, một trong những hoạt động được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với một số cơ quan, đoàn thể tổ chức, đã và đang có hiệu ứng xã hội tích cực là phong trào“Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Đồng thời, theo quan sát của chúng tôi, hiện nay hoạt động tộc họ đang được phục hồi mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh các hoạt động dòng họ, như khuyến học, tương trợ lẫn nhau, thì việc soạn tộc quy, tộc ước chung tay giáo dục con cháu là một hoạt động rất có ý nghĩa và đang mang lại những hiệu quả tốt. Theo chúng tôi, trong thời gian tới cần ban hành những chính sách và có những hoạt động thiết thực để khuyến khích, hỗ trợ và tôn vinh những hoạt động như trên.
Bên cạnh đó cần có những chính sách khuyến khích tác động cộng đồng đối với giáo dục gia đình, ví dụ tổ chức các sinh hoạt cộng đồng tại làng xã, phường, tổ dân phố, v.v. nhằm trao đổi kinh nghiệm, tập huấn tri thức, kỹ năng, thi đua, khen thưởng, tôn vinh những gia đình kiểu mẫu, v.v..
Để những chính sách này được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, đương nhiên cần có sự phối hợp hành động của chính quyền cơ sở cùng với các thiết chế chính trị, xã hội tại cơ sở.